Điều 2 Nghị định 05/1999/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 170/2007/NĐ-CP quy định CMND có giá trị sử dụng 15 năm kể từ ngày cấp. Kể từ ngày 1/1/2021, Bộ Công an đã triển khai cấp CCCD gắn chip thay cho CMND, CCCD mã vạch. CMND và CCCD mã vạch được cấp từ cuối năm 2020 vẫn có giá trị sử dụng đến hết năm 2035. Như vậy, từ năm 2036, CMND, CCCD mã vạch chính thức bị "khai tử". Kể từ thời điểm này, việc sử dụng các giấy tờ trên sẽ bị cấm và nếu công dân chưa đổi sang CCCD gắn chip sẽ bị xử phạt.
Hiện tại, nếu CMND, CCCD mã vạch còn hạn thì vẫn chưa phải đổi sang CCCD gắn chip. Nhưng vẫn có những trường hợp bắt buộc phải đổi sang CCCD gắn chip. Đó là:
- Khi đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi
- Thẻ Căn cước bị hư hỏng không sử dụng được
- Công dân có thay đổi họ, chữ đệm, tên
- Công dân đã thay đổi đặc điểm nhận dạng
- Công dân xác định lại giới tính, quê quán
- Căn cước công dân có sai sót về thông tin
- Công dân bị mất thẻ Căn cước
- Công dân được trở lại quốc tịch Việt Nam.
Những trường hợp CCCD mã vạch còn hạn nhưng muốn đổi sang CCCD gắn chip thì vẫn được làm, dựa theo điểm e khoản 1 Điều 23 Luật Căn cước công dân.
CCCD gắn chip có thời hạn trong bao lâu? Theo quy định của Luật căn cước công dân 2014, CCCD gắn chip có thời hạn sử dụng dựa trên nguyên tắc của Điều 21 Luật CCCD 2014. Cụ thể:
- Thẻ CCCD phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.
- Trường hợp thẻ căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi quy định nêu trên này thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.
Khi CCCD hết hạn mà không đổi thì người đó sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng theo điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP và Điều 23 Luật căn cước công dân 2014.