Chị Davina cảm thấy lo ngại vì chị và chồng có đôi mắt xanh, còn Rebecca lại có mắt nâu. Linh tính chẳng lành, chị cho con xét nghiệm DNA và kết quả rất đau lòng. Tất cả xuất phát từ việc chị đã thụ tinh nhân tạo từ 20 năm trước.
Những cặp vợ chồng hiếm muộn luôn mong đợi vào phép màu, vào điều kỳ diệu của cuộc sống. Họ sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ của y tế, của các y bác sĩ với mong mỏi sẽ có được một mụn con sau nhiều năm dài hiếm muộn.
Cặp vợ chồng người Canada trong câu chuyện dưới đây cũng vậy. Khi biết mình hiếm muộn, họ đã tìm đến một bác sĩ khoa sản ở Ottawa, Ontario, Canada mong được giúp đỡ. Thế nhưng kết quả cuối cùng lại khiến họ tức giận và đau khổ.
Ngược dòng thời gian về năm 1989, khi đó vợ chồng Davina và Daniel Dixon bị hiếm muộn và họ đã tìm đến bác sĩ Norman Barwin ở Phòng khám Sản khoa Broadview, Ottawa, Ontario để được tiến hành .
Niềm hạnh phúc của họ chẳng thể nào diễn tả được bằng lời khi sau một thời gian dài thụ tinh, họ biết mình đã mang một sinh linh bé bỏng trong cơ thể.
Cô bé Rebecca đã chào đời vào mùa hè năm 1990 trong sự vui mừng của cả gia đình. Thế nhưng suốt 2 thập kỷ sau đó, Davina và Daniel luôn cảm thấy ngờ ngợ điều gì đó mỗi khi nhìn con.
Davina và Daniel cùng con gái Rebecca. (Ảnh: shared)
Chị Davina cảm thấy lo ngại vì chị và chồng có đôi mắt xanh, còn Rebecca lại có mắt nâu.
Linh tính chẳng lành, chị cho con xét nghiệm DNA và kết quả lại cho thấy Rebecca mang 60% dòng máu Do Thái Ashkenazi trong cơ thể dù rằng Davina và Daniel hoàn toàn không có nguồn gốc Do Thái.
Không chỉ vậy, kết quả thể hiện rằng Rebecca và Daniel không phải là cha con và dù đã thực hiện xét nghiệm máu một lần nữa, kết quả vẫn là 0%.
“Tôi còn nhớ cảm giác đó như một luồng điện chạy khắp người tôi”, Rebecca phát biểu với Canadian Broadcasting Corporation vào thời điểm đó. “Đó không phải là thứ mà bạn có thể tưởng tượng được”.
Rebecca đã rất sốc khi biết Daniel không phải là bố của mình. (Ảnh: shared)
DNA của Rebecca Dixon sau đó đã được so sánh với DNA của một phụ nữ khác, sau khi một trang web tìm nguồn gốc gia đình đã giới thiệu cô với một cô gái là người thân của bác sĩ Norman Barwin - cô Kat Palmer (25 tuổi).
Trang web này nói rằng Kat chính là con của bác sĩ Norman, người cũng được thụ thai tại Phòng khám Sản khoa Broadview giống như Rebecca. Kết quả bất ngờ, Kat và Rebecca là chị em cùng cha khác mẹ. Điều này có nghĩa là Rebecca là con gái của bác sĩ Norman.
Nói về Kat, cô cũng đã kiểm tra DNA và được trang web này nói rằng cô có quan hệ với gia đình Barwin. Sau đó vào năm 2015, Kat đã yêu cầu bác sĩ Norman kiểm tra DNA cùng cô và ông đã gửi email kết quả cho Kat rằng, họ là bố con.
Mẹ của Kat từng là bệnh nhân hiếm muộn tại Phòng khám Sản khoa Broadview và bác sĩ Norman nói rằng ông không cố ý mà là đưa nhầm tinh trùng của ông vào khi cấy phôi thai cho mẹ của Kat.
Kat Palmer (Ảnh: shared)
Vụ việc của Rebecca và Kat đã trở thành một trường hợp gây chấn động ở Ottawa, nơi Norman là một bác sĩ có bề dày kinh nghiệm, từng được trao tặng một trong những danh hiệu hàng đầu của Canada vào năm 1997 vì những tác động sâu sắc trong công việc của ông đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ.
Tháng 11/2016, gia đình Rebecca quyết định đệ đơn kiện bác sĩ Norman vì ông đã sử dụng tinh trùng của mình để thụ thai cho Davina chứ không phải tinh trùng của người bố Daniel.
Trong những tháng sau đó, nhiều luật sư đằng sau vụ kiện nói rằng họ biết được hơn 150 người khác cũng lo lắng vì theo điều tra, hành vi của bác sĩ Norman đã bắt đầu từ cuối những năm 1970.
Đầu tháng 4 vừa qua, các luật sư nói rằng những cuộc điều tra DNA cho thấy ngoài mẹ của Rebecca và Kat, đã có 9 người mẹ khác đã đến thụ tinh ở phòng khám của bác sĩ Norman và con của họ đều là con của vị bác sĩ này.
Tổng số người đã bị sử dụng tinh trùng của bác sĩ Norman cấy phôi thai là 11 người.
Bác sĩ Norman Barwin đã bị kiện vì sử dụng tinh trùng của mình để cấy phôi thai cho những phụ nữ hiếm muộn chứ không dùng tinh trùng của người chồng của những phụ nữ đó. (Ảnh: shared)
Điều đáng chú ý là vào năm 2013, bác sĩ Norman đã bị Hội đồng bác sĩ Ontario đình chỉ hoạt động trong 2 tháng sau khi ông thừa nhận đã thụ tinh sai 4 trường hợp trong 2 thập kỷ, từ năm 1986 đến năm 2007.
4 trường hợp này đã được kiểm tra DNA và trung tâm DNA đã xác nhận 4 phụ nữ đã nhận sai tinh trùng.
“Tôi rất tiếc vì đã gây ra những điều này cho bệnh nhân của mình. Ý định của tôi là muốn giúp đỡ họ một cách tốt nhất”, Norman phát biểu trước khi bị đình chỉ hoạt động. Hội đồng cho biết bác sĩ Norman đã thừa nhận lấy nhầm lọ tinh trùng. Sau đó, ông đã nộp đơn nghỉ việc.
Vụ kiện vẫn chưa đi đến hồi kết. Thời điểm này, bác sĩ Norman cũng như luật sư của ông vẫn chưa trả lời báo chí bất kì thông tin nào.
Các cơ quan điều tra của Canada vẫn đang tích cực điều tra vụ việc. Về phần Rebecca, cô và Kat sau đó đã trở nên thân thiết hơn. Kat thậm chí còn đưa Rebecca về nhà để gặp gỡ gia đình mình.
Rebecca đã về thăm gia đình Kat. (Ảnh: dailymail)
Theo Newben/Helino/Trí thức trẻ