Tin mới

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với các CEO hàng đầu Trung Quốc

Chủ nhật, 11/09/2016, 19:49 (GMT+7)

Theo đặc phái viên TTXVN, chiều 11/9, tại Đại Lễ đường nhân dân tỉnh Quảng Tây, thành phố Nam Ninh, Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị đối thoại với Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của các doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc.

Theo đặc phái viên TTXVN, bên lề Hội chợ Trung Quốc-ASEAN (CAEXPO) và = lần thứ 13, chiều 11/9, tại Đại Lễ đường nhân dân tỉnh Quảng Tây, thành phố Nam Ninh, Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị đối thoại bàn tròn với Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của các doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc.

Tham dự và trao đổi với các doanh nghiệp tại buổi đối thoại có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa và lãnh đạo một số bộ, ngành trong đoàn cấp cao Việt Nam và đại diện chính quyền tỉnh Quảng Tây.

Hội nghị do Bộ Công Thương Việt Nam, Ủy ban Xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc (CCPIT), Chính quyền Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc chủ trì; Ban thư ký Hội nghị Thượng đỉnh Thương mại Đầu tư Trung Quốc-ASEAN và Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam (VIETRADE) hợp tác đồng tổ chức.

Theo đại diện chính quyền Quảng Tây, Hội nghị đối thoại bàn tròn với lãnh đạo các CEO hàng đầu của Trung Quốc được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2009. Qua 6 lần tổ chức, hội nghị đã đem lại nhiều kết quả rõ rệt, trở thành cơ chế quan trọng để thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN.

Đại diện chính quyền Quảng Tây khẳng định Quảng Tây đặc biệt quan tâm đến việc phát triển hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam; coi Việt Nam là địa bàn quan trọng để xúc tiến các chương trình hợp tác đầu tư nhất là trong các lĩnh vực như Xây dựng cơ sở hạ tầng, hợp tác kỹ thuật, tài chính, tiền tệ, hợp tác biên mậu, du lịch, giáo dục, thể dục thể thao với phương châm đôi bên cùng có lợi.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)



Việt Nam đã nhiều năm trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây. Năm 2015, kim ngạch thương mại giữa Quảng Tây và Việt Nam là 24,5 tỷ USD, chiếm 25,6% tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước Trung Quốc và Việt Nam. Quảng Tây mong muốn tăng cường mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện với Việt Nam và các quốc gia ASEAN.

Phát biểu tại cuộc đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Việt Nam-Trung Quốc có tình hữu nghị gắn bó mật thiết, “núi sông liền một dải, văn hóa tương đồng, vận mệnh tương quan,” quan hệ hợp tác trên tinh thần 16 chữ, đồng thời cho rằng sự có mặt đông đảo của các CEO Trung Quốc hôm nay là một biểu hiện sinh động của mối quan hệ giữa hai nước.

Thủ tướng nêu khái quát về tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam, những tiềm năng, cơ hội mà các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Trung Quốc có thể tận dụng để phát triển, đầu tư, kinh doanh.

Thủ tướng nêu rõ, từ một nước nghèo đói sau chiến tranh, đến nay, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, một trong những nước xuất khẩu lương thực lớn nhất thế giới.

Thu nhập bình quân đầu người hiện nay, tính theo sức mua, đạt tương đương mức 5.600 USD.

Thủ tướng nhấn mạnh "Điều đầu tiên quan trọng trong đầu tư là ổn định chính trị, xã hội thì Việt Nam đã ổn định chính trị, xã hội bền vững, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.”

Bên cạnh thuận lợi về mặt địa lý là hai nước láng giềng, Việt Nam còn có tiềm năng lớn ở tỷ lệ dân số vàng, lao động trẻ, giá nhân công rẻ.

Đáng chú ý, Việt Nam đã tham gia 12 hiệp định thương mại tự do và đang đàm phán 4 hiệp định thương mại tự do khác, trong đó có Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với sự tham gia của các thành viên ASEAN và Trung Quốc.

Việt Nam có quan hệ kinh tế-thương mại với 224 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong tương lai không xa, quan hệ thương mại tự do giữa Việt Nam với 55 đối tác sẽ được xác lập, trong đó có 15 nước thuộc nhóm G20.

Về tình hình đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết đến nay có 21.000 dự án đầu tư của trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng số vốn đăng ký hơn 300 tỷ USD.

Trong đó, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam khoảng 1.500 dự án, tổng vốn 11 tỷ USD, đứng thứ 9 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Năm 2015, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam-Trung Quốc đạt trên 66 tỷ USD và 7 tháng đầu năm 2016 đạt 38,2 tỷ USD, tăng trên 1,5%. Đến hết năm nay, theo Thủ tướng, có thể phấn đấu đạt hơn 100 tỷ USD kim ngạch song phương.

Cho rằng hoạt động xuất nhập khẩu là theo nhu cầu của các doanh nghiệp mỗi nước, Thủ tướng nhấn mạnh định hướng của nền kinh tế Việt Nam là cân bằng cán cân xuất nhập khẩu, bảo đảm phát triển bền vững.

Thủ tướng cũng đề cập vấn đề nhập siêu lớn, cho rằng xu hướng này sẽ giảm xuống và năm nay giảm xuống rõ hơn nữa giữa Việt Nam-Trung Quốc.

Thủ tướng cũng cho biết đã trao đổi với các lãnh đạo tỉnh Quảng Tây về việc hàng hóa từ Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại phải thông quan nhanh chóng, thuận lợi. Các tỉnh của Việt Nam và Quảng Tây đều bàn thông suốt vấn đề này.

Phát biểu trước các CEO doanh nghiệp hai nước, Thủ tướng khẳng định quan điểm của Chính phủ trong việc kiên định thực hiện mục tiêu xây dựng môi trường kinh doanh cởi mở, minh bạch cho mọi doanh nghiệp, cả trong và ngoài nước với phương châm coi thành công của nhà đầu tư là thành công của Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm khiết, kiến tạo phát triển, hành động quyết liệt, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Tập trung hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Các cấp chính quyền ở Việt Nam đều trực tiếp lắng nghe ý kiến của nhà đầu tư nước ngoài phản ánh để cùng tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất.

Nhân dịp này, Thủ tướng cũng thông báo môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, đã tăng 3 bậc, đứng thứ 5 trên 10 nước ASEAN và phấn đấu trong năm 2017, Việt Nam sẽ vào tốp ASEAN-4.

Thủ tướng nhấn mạnh chính phủ, các cấp chính quyền không được gây khó khăn cho doanh nghiệp, phải tạo điều kiện, tháo gỡ vướng mắc cho họ.

Thủ tướng nêu rõ Chính phủ, nhân dân Việt Nam hoan nghênh các nhà đầu tư hợp tác sản xuất kinh doanh vào Việt Nam có quy trình, công nghệ hiện đại; tuân thủ pháp luật; bảo vệ môi trường và sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành đã trực tiếp giải đáp nhiều thắc mắc, kiến nghị của các doanh nghiệp Trung Quốc về những vấn đề liên quan đến các lĩnh vực, thủ tục đầu tư; các ưu đãi của Chính phủ Việt Nam đối với các doanh nghiệp Trung Quốc khi triển khai kế hoạch hợp tác, đầu tư với các doanh nghiệp và địa phương của Việt Nam.

Các doanh nghiệp Trung Quốc bày tỏ quan tâm nhiều đến những lĩnh vực phát triển giao thông đường bộ, đường cao tốc; mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực viễn thông; phát triển các dự án nhiệt điện; năng lượng tái tạo.

Với chủ đề “Tăng cường hợp tác chiều sâu về kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc vì mục tiêu cùng phát triển,” Hội nghị bàn tròn đối thoại lần này chủ yếu nhằm đề xuất các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước, trong đó bao gồm sự hợp tác của các doanh nghiệp hai nước trong các lĩnh vực công nghệ cao.

Theo TTXVN/Vietnam+

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news