Tin mới

Thương cảm đôi vợ chồng phải chia cách sau 62 năm chung sống

Thứ bảy, 27/08/2016, 15:41 (GMT+7)

Do những khó khăn về hệ thống cơ sở vật chất, một cặp vợ chồng người Canada đã phải sống cách xa nhau sau 62 năm gắn bó. Giờ đây, họ chỉ có một mong muốn được đoàn tụ lại cho đến những ngày cuối đời

Do những khó khăn về hệ thống cơ sở vật chất, một cặp vợ chồng người Canada đã phải sống cách xa nhau sau 62 năm gắn bó. Giờ đây, họ chỉ có một mong muốn được đoàn tụ lại cho đến những ngày cuối đời.

Trong một bài viết trên Facebook hôm 23/8, Ashley Baryik, 29 tuổi đăng tải bức ảnh mang tên "Omi và Opi", cho thấy hai ông bà của cô đang nắm tay và lau nước mắt khi gặp lại nhau. Cô cho hay ông bà cô phải xa cách nhau từ hồi tháng một khi ông Wolfram nhập viện vì suy tim sung huyết.

Bức ảnh đầy xúc động của cặp vợ chồng già. Ảnh: CBC

"Xa nhau 8 tháng nay, cứ mỗi lần được gặp nhau, ông bà lại khóc. Đó là cách giải tỏa cảm xúc cho cả hai", cô cháu gái nói, "Đây là bức ảnh buồn nhất tôi từng chụp".

Bức ảnh chụp lại cuộc hội ngộ xúc động giữa ông Wolfram Gottschalk, 83 tuổi, và bà Anita, 81 tuổi. Bà Anita được sắp xếp vào nhà dưỡng lão ở Surrey, British Columbia, cách nơi chồng ở 30 phút lái xe. Nhà dưỡng lão này cho hay họ không có đủ phòng để đưa ông Wolfram về đây.

"Đó là một điều rất đau lòng với bà của tôi, bà muốn có chồng mình ở đó mỗi đêm", Baryik nói. "Bà ấy chỉ xin mọi người giúp đỡ để đưa chồng mình trở lại. Điều đó là rất khó với gia đình chúng tôi".

Hồi đầu tuần, Baryik thông báo trên Facebook rằng ông Wolfram bị chẩn đoán mắc ung thư hạch và kêu gọi mọi người giúp đỡ để ông sớm được đoàn tụ với vợ trước khi quá muộn.

Cặp vợ chồng chỉ mong được trút hơi thở cuối bên người kia. Ảnh: ABC

Gia đình cô cho rằng "những trường hợp tồn đọng và sự chậm trễ của hệ thống chăm sóc sức khỏe" đã khiến ông bà Wolfram và Anita phải xa cách. Họ đã gửi kiến nghị lên cơ quan y tế nhưng không nhận được phản hồi suốt 8 tháng qua. Tuy nhiên, hôm 25/8, một phát ngôn viên đã liên lạc với họ và khẳng định việc bố trí chỗ ở cho ông Wolfram hiện là ưu tiên số một.

Baryik cho hay cô nhận được rất nhiều sự ủng hộ của mọi người nhưng gia đình từ chối nhận tiền quyên góp.

"Việc nhận tiền làm lu mờ mục đích đấu tranh cho các gia đình không đủ khả năng để được bố trí các giường riêng", cô nói. "Chúng tôi muốn mọi người tập trung vào việc cải tổ hệ thống hơn là quyên tiền và kêu gọi tài trợ trong vấn đề này".

Quý Vũ

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news