Từ ngày 12/6, Thủy điện Hòa Bình bắt đầu xả lũ do thời gian qua lưu vực sông Đà mưa lớn, nước ào ạt đổ về nên buộc phải xả để đảm bảo an toàn cho công trình. Nếu mưa ngớt, sẽ mất khoảng 2-3 ngày để mực nước hồ trở về 105 m.
Vào 10h trưa ngày 17/8, thủy điện Hòa Bình xả lũ 5 cửa mặt, lưu lượng 8.027m3/giây (chưa tính nước qua máy phát). Theo người dân, những năm trước phải đến tháng 8, thủy điện mới xả lũ. Thời điểm này, thủy điện đã xả lũ là hiện tượng bất thường.
Việc mở thêm cửa xả đáy thứ 5 khiến ngập lụt các vùng ven sông, bãi bồi ở khu vực hạ lưu sông Hồng, đặc biệt hạ lưu sông chảy qua địa bàn Hà Nội và tỉnh Hưng Yên sẽ gia tăng.
Hồ Hòa Bình là hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam, nằm trên sông Đà, dung tích khoảng 9,45 tỷ m3, có nhiệm vụ cung cấp nước cho Nhà máy thủy điện Hòa Bình, dự trữ nước vào mùa khô. Hồ có tất cả 12 cửa xả đáy. Năm 2017, do lũ lớn, thủy điện Hòa Bình mở 8 cửa xả đáy - nhiều nhất từ trước tới nay.
Chiều ngày 17/6, Phó Trưởng Ban - Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đã ký Công điện số 08/CĐ-QG điện Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình và Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La đề nghị đóng cửa xả đáy hồ Hòa Bình và hồ Sơn La.
Công điện nêu rõ: Hồi 13h ngày 17/6, mực nước hồ Hòa Bình ở cao trình 106,55m, lưu lượng đến hồ 7.372m3/s, tổng lưu lượng xả 10.491m3/s (gồm lưu lượng qua 5 cửa xả đáy và lưu lượng chạy máy phát điện); hồ Sơn La ở cao trình 201,04m, lưu lượng đến hồ 3.920m3/s, tổng lưu lượng xả 6.490m3/s (gồm lưu lượng qua 2 cửa xả đáy và lưu lượng chạy máy phát điện).
Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La và Giám đốc Công ty Thuỷ điện Hòa Bình:
Đóng cửa 1 cửa xả đáy hồ Sơn La và hồ Hòa Bình vào hồi 16h00 ngày 17/6.
Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, an toàn công trình, lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu hồ chứa kịp thời báo cáo về Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và các cơ quan liên quan theo quy định.