Chiều 2/7, ông Đỗ Hoài Nam xác nhận việc sẽ xem xét tiến hành việc khởi kiện trên đối với EVN Hoàn Kiếm. Đồng thời, ông sẽ chi trả toàn bộ chi phí luật sư cho vụ kiện này nếu ai muốn tham gia kiện cùng.
Động thái này bắt nguồn từ việc số kWh điện dùng của gia đình ông Nam trong tháng 6 đã tăng vọt lên gần gấp đôi so với 2 tháng trước đó, ở mức 3.129 kWh (tháng 4 là 1.558 kWh, tháng 5 là 1.883kWh).
Trao đổi với PV Tổ quốc ông Nam cho biết, gần 5 năm nay cả toà nhà của gia đình chỉ có 2 vợ chồng ở và mỗi tháng thường đi công tác gần một nửa thời gian. Khi không đi công tác cũng đi làm đến 20 - 21h mới về nên ở nhà không nhiều. Cùng với đó, thói quen sinh hoạt của gia đình không thay đổi là bất kể nóng hay lạnh đều bật điều hoà.
Trong tháng 3, tháng 4, thực hiện việc giãn cách xã hội, gia đình ông không có lựa chọn nào khác nên vợ chồng phải ở nhà 24/7 và điều hoà cũng bật 24/7 trong 2 tháng này, do đó điện sử dụng có thể xem như nhiều nhất từ trước đến nay.
"Những tưởng số điện sử dụng tại nhà trong 2 tháng này phải là cao nhất, nhưng thực tế không phải như vậy. Nếu tháng 4 ở nhà 24/7, gia đình tôi sử dụng 1.500kWh, tháng 5 hơn 1.800kWh thì tháng 6 vọt lên 3.129 số điện mặc dù chúng tôi đi công tác đến gần nửa tháng không ở nhà", ông Nam chia sẻ.
Theo ông Nam, do gia đình ông dùng điện 3 pha (điện sản xuất, kinh doanh) nên chỉ có 1 giá mà không tính theo nấc bậc thang như điện sinh hoạt. Do vậy, sau khi nhận được thông báo về số kWh tăng vọt trong tháng 6, vợ chồng ông đã đăng tải thông tin này lên trang cá nhân.
Sau khi nhận phản ánh, EVN Hoàn Kiếm đã cử cán bộ xuống làm việc và lý giải, do tòa nhà của gia đình sử dụng nhiều thiết bị điện như điều hòa.., kỳ tính hóa đơn tiền điện tháng 6 nằm trọn vẹn trong giai đoạn thời tiết nắng nóng đỉnh điểm, nên hóa đơn điện tăng vọt.
Thời gian qua, nhiều hộ dân trên khắp các địa phương đều bất bình khi nhận hoá đơn tiền điện tăng vọt. Ảnh minh hoạ
Không đồng ý với giải thích trên và nêu rõ, bản thân gia đình không khiếu nại về số tiền phải đóng và không khiếu nại về công tơ chạy sai mà chỉ có duy nhất một vấn đề, cần lời giải thích thỏa đáng cho việc tăng đột biến về lượng điện sử dụng trong tháng 6 của gia đình.
Trước nghi vấn của khách hàng, phía EVN Hoàn Kiếm đã tiến hành thay công tơ điện mới và niêm phong công tơ cũ, đưa đi tiến hành kiểm định tại Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Hà Nội.
Đến ngày 1/7, Giám đốc điện lực Hoàn Kiếm điện thoại thông báo, sau khi kiểm định, xác định đồng hồ của ngành điện chạy chính xác và đề nghị gia đình thanh toán tiền điện.
Tuy nhiên, ông Nam không đồng tình với kiểm định này và đặt vấn đề, với nghĩa vụ là người tiêu dùng, gia đình ông đã thực hiện việc thanh toán tiền đầy đủ nhưng cách giải thích của phía điện lực không hợp lý.
Vì vậy đã họp với luật sư và sẽ tính toán việc khởi kiện phía điện lực. Ông bày tỏ, mong muốn của mình là đơn vị điện lực minh bạch trong quy trình, còn gia đình không cần giảm tiền điện hay xử lý công tơ...
Trao đổi với PV Dân trí, đại diện Công ty Điện lực Hoàn Kiếm (Hà Nội) xác nhận, đã xử lý phản ánh của khách hàng này và đồng hồ cũng đã được đưa đi kiểm định tại Chi cục đo lường chất lượng Hà Nội với kết quả đạt yêu cầu kỹ thuật đo lường.