Tin mới

Tiết lộ về tiền xây “đài hoa kỳ dị” bên hồ Gươm

Thứ hai, 11/01/2016, 13:33 (GMT+7)

Nhận chỉ trích từ dư luận, “đài hoa kỳ dị” bên hồ Gươm bị dỡ bỏ. Dư luận đặt câu hỏi: Chi phí xây dựng, dỡ bỏ đài hoa từ đâu?

Nhận chỉ trích từ dư luận, “đài hoa kỳ dị” bên hồ Gươm bị dỡ bỏ. Nhưng dư luận lại đặt ra câu hỏi: Chi phí xây dựng, dỡ bỏ đài hoa từ đâu?

Những ngày qua, cư dân mạng lan truyền bức ảnh về đài hoa bên cạnh hồ Gươm và gọi tên là "đài hoa  kỳ dị".

Sau khi nhận những ý kiến trái chiều từ dư luận, ngày 10/1, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã tháo dỡ đài hoa xuống với lý do để chỉnh sửa hợp lý hơn.

Mặc dù, nhiều ý kiến cho rằng đài hoa xấu, không phù hợp với mỹ quan, tổng thể cảnh quan của bờ hồ, cũng như hình thù của hoa khiến người dân không phân biệt được đó là hoa loa kèn hay hoa rau muống. Song bên cạnh đó, cũng có những ý kiến bênh vực đài hoa.

Đài hoa mà dư luận đặt tên là "đài hoa kỳ dị" đã được dỡ bỏ để chỉnh sửa. Ảnh Tri thức trực tuyến

Xung quanh vấn đề gây tranh cãi này, PV đã có cuộc trao đổi với ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội.

Tiền xây dựng ở đâu?

Ngân sách xây dựng, là vấn đề được dư luận hết sức quan tâm. Nhất là khi đài hoa đã cơ bản hoàn thành, nay, lại tháo dỡ để đem về xưởng chỉnh sửa. Vậy đơn vị nào chịu chi phí, tiền ở đâu ra?

Ông Động cho biết: “Việc này rất tế nhị!

Đài hoa là do các đơn vị hiến tặng Hà Nội. Có doanh nghiệp bỏ tiền để làm đài hoa vì muốn cống hiến cho Hà Nội, họ không muốn quảng cáo, không muốn nêu tên.

Ngay cả bản thiết kế cũng do một công ty ở Sài Gòn tự nguyện đóng góp.”

“Hà Nội không phải trả một đồng nào cả.”, ông Động khẳng định.

Tiền xây dựng đài hoa do doanh nghiệp tài trợ và họ xin giấu tên (ông Động cho biết). Ảnh Tri thức trực tuyến

Giám đốc Sở VHTT nói thêm, Sở chủ trì và chịu trách nhiệm, xấu đẹp như thế nào, Sở lắng nghe ý kiến người dân và điều chỉnh. Còn cung cấp thông tin 'cụ tỉ' thì rất khó.

Nguyên do của việc không thể cung cấp cụ thể doanh nghiệp nào tài trợ kinh phí, được ông Động giải thích: “Người ta nói (ám chỉ doanh nghiệp): Chúng tôi đóng góp, Hà Nội sử dụng đến đâu thì sử dụng, chúng tôi không lấy một đồng nào cả.

Thậm chí doanh nghiệp yêu cầu không quảng cáo gì hết. Cho nên là rất khó để bọn anh cung cấp thông tin.”

Thật khó hiểu khi một đơn vị có mục đích cao đẹp lại không muốn lộ diện?!. Tuy nhiên, ông Động khẳng định lại, đó là nguyện vọng của doanh nghiệp.

Để “đẹp mặt” Hà Nội, lãnh đạo Sở phải đi xin 

Chia sẻ với PV, sau sự việc vừa rồi, ông Động cho biết, doanh nghiệp họ làm đẹp cho thành phố, mà chưa thi công xong đã bị chê rồi.

“Tôi phải đi xin, đi thuyết phục các doanh nghiệp và đơn vị thiết kế tiếp tục làm đi. Đấy nếu cứ như thế thì cuối cùng người dân chẳng được cái gì, bọn tôi thì phục vụ dân thôi. Dân ưng thì làm không ưng thì không làm.”, ông Động chia sẻ.

Đẽo cày giữa đường

Là người đứng đầu Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, ông Động thẳng thắn nhận trách nhiệm về việc đài hoa khiến dư luận Thủ đô tranh cãi.

Ông cho biết, thiết kế đài hoa do một nhóm kỹ sư ở TP. Hồ Chí Minh đảm trách. Nhóm này có nguyện vọng ủng hộ cho Hà Nội, để làm đẹp thủ đô trong những ngày Tết.

Sở VHTT có trách nhiệm phê duyệt ý tưởng đó. Nhóm thiết kế thể hiện bông hoa nhưng muốn cách điệu, có yếu tố hiện đại.

“Cho nên dư luận cứ phán đây là hoa gì thì bản thân bọn anh cũng chịu. Bởi vì, khi đã cách điệu một bông hoa từ nắm tay ra to bằng cái nón thì phải cách điệu đi chứ. Còn suy diễn thì cũng rất là khó.”, ông Động lý giải về tranh luận đây là hoa loa kèn hay hoa rau muống mà dư luận ồn ào những ngày qua.

Trước phản ứng gay gắt của dư luận, ông Động nêu quan điểm: “Mục đích của việc xây dựng đài hoa là muốn để cho Hà Nội khoác lên mình một cái áo mới, sáng sủa hơn, có điểm để người dân đến ngắm nghía.

Ngay khi mới thi công thôi mà đã đến chụp ảnh đầy chỗ đấy, rồi đầy những chê bai, thế thì không hiểu là: Chiều ai bây giờ?”

Lời than thở của ông Động khiến người ta liên tưởng đến câu truyện ngụ ngôn “Đẽo cày giữa đường”. Bởi sau khi nhận “gạch đá” dư luận, Sở VHTT đã cho tháo dỡ đài hoa này.

Đài hoa bị tháo dỡ sau khi nhận nhiều phản ánh từ người dân. Ảnh Đức Thuận

Ông Động cho hay: “Quan điểm của sở là lắng nghe ý kiến chân thành, trên tinh thần xây dựng, nếu như thấy nó đẹp hơn thì cho phép sửa. Sở không cứng nhắc. Cứ ồn ã thế thì cho đài về xưởng, chỉnh sửa lại, dựng trong xưởng bao giờ ưng ý, tôi duyệt thì mới đưa ra xây lại.”

Ông cho biết, 3 giờ chiều nay (11/1) nhóm thiết kế sẽ bay ra Hà Nội để họp bàn lại. Khi nào xong thì chúng tôi sẽ thông báo với báo chí.

Đức Thuận

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news