Tin mới

TP HCM họp khẩn tìm phương án ứng phó áp thấp mạnh thành bão

Thứ bảy, 18/11/2017, 09:40 (GMT+7)

Vùng bão đổ bộ trực tiếp từ Ninh Thuận, Bình Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu, khu vực ảnh hưởng gián tiếp mở rộng đến TPHCM và Bến Tre.

Vùng bão đổ bộ trực tiếp từ Ninh Thuận, Bình Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu, khu vực ảnh hưởng gián tiếp mở rộng đến TPHCM và Bến Tre.

VnexpressThời Đại cho hay, chiều ngày 17/11, trong cuộc họp khẩn giữa UBND TP HCM với các sở ngành và quận huyện để triển khai phương án phòng tránh, ứng phó với áp thấp nhiệt đới sắp vào biển Đông, ông Lê Đình Quyết - Phó phòng dự báo (Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ) cho biết, 13h hôm nay, cường độ áp thấp nhiệt đới vẫn chưa phải là mạnh.

"Hai mô hình dự báo của Nhật Bản và Mỹ cho rằng ngày 18/11 áp thấp nhiệt đới có thể mạnh thành bão, trong khi theo các mô hình khác bão đi thấp có thể vào khu vực đồng bằng sông Cửu Long", ông Quyết nói và cho biết hiện phía Bắc có Không khí lạnh tăng cường có thể làm cho cường độ và hướng di chuyển của bão thay đổi.

Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ nhận định, khi bão vào đến gần bờ, vùng không khí lạnh xuống sâu (từ miền Bắc xuống Trung Trung bộ) sẽ làm cho bão theo hướng Tây Tây Nam chứ không phải Tây Tây Bắc nữa. 

"Vùng bão đổ bộ trực tiếp từ Ninh Thuận, Bình Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Khu vực ảnh hưởng gián tiếp mở rộng đến TP HCM, Bến Tre. Thời gian dự kiến bão đổ bộ là sáng ngày 19/11 và khi vào bờ bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới", ông Quyết nói.

Phó phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn Nam bộ cũng đánh giá cơn bão này không mạnh, giật cấp 8, cấp 9 rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Cơn bão số 14 ít có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến TP HCM. Tuy nhiên, các địa phương vẫn phải lên các phương án đề phòng.

Cũng theo dự báo của ông Quyết, khi bão đổ bộ gió mạnh trên 10m/s ở khu vực ven biển Nam Trung Bộ đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại TP HCM dự báo có gió mạnh cấp 4, gió giật có thể đạt cấp 6-7 và trong hai ngày 19-20/11 có mưa với lượng mưa khoảng 15-20 mm. Vì vậy, ông đề nghị TP HCM nên cấm tàu thuyền ra khơi từ trưa 18/11.

Trong khi đó, ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, hiện còn 42 tàu thuyền công suất trên 90 CV hoạt động trên biển, trong đó có 2 chiếc ở khu vực Côn Đảo, 7 chiếc khu vực quần đảo Hoàng Sa, một chiếc ở đảo Thổ Chu… Các tàu thuyền này đã được thông tin về đường đi, diễn biến của áp thấp nhiệt đới.

Trong cuộc họp ứng phó với bão 14, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP HCM Lê Thanh Liêm cho biết, theo dự báo, bão ít khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến TP HCM như cơ quan dự báo nhận định, nhưng không được chủ quan vì bão thường khó lường, bất thường và diễn biến phức tạp. Nhất là TP HCM có nhiều công trình xây dựng, cần trục, cây xanh… và đang trong đợt đỉnh triều cường đạt 1,6 m.

Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới, ông Liêm yêu cầu các sở ngành và địa phương theo dõi sát diễn biến, triển khai các phương án đã được diễn tập từ trước. Đặc biệt, huyện Cần Giờ phải sẵn sàng công tác di dời dân ở xã đảo Thạnh An và người dân trong nhà tạm bợ, ven sông rạch. "Kịch bản đã có rồi, chỉ cần hô cái là di dời dân đi ngay", ông Liêm nói.

Cùng ngày, TPHCM đã có công văn yêu cầu người đứng đầu các sở ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện phường xã thị trấn tập trung triển khai ngay phương án phòng, chống tại mỗi đơn vị nhằm chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới.

UBND thành phố cũng đã chỉ đạo các đơn vị, các địa phương triển khai phương án nhằm đảm bảo an toàn cho người cũng như tàu thuyền hoạt động thủy sản trên địa bàn thành phố. 

Ngoài ra cũng phải theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của áp thấp nhiệt đới bằng mọi cách thông báo cho chủ các phương tiện để biết được vị trí, tốc độ, hướng di chuyển, diễn biến của áp thấp nhiệt đới và kêu gọi tàu thuyền thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Hồng Hạnh (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news