Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương, trưa 1/8, bão số 3 có tên quốc tế là Wipha với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90 kmh), giật cấp 12 đang cách đất liền các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng 360 km về phía đông đông nam. Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão hầu như ít dịch chuyển trong 6 giờ qua.
Người dân đứng xem sóng biển đánh vào bờ tại một cơn bão trước đó.
Chiều và đêm nay, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc với vận tốc 10 km/h, đi vào khu vực phía bắc của vịnh Bắc Bộ và có khả năng mạnh thêm. Với diễn biến này, bão có khả năng đổ bộ các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nam Định vào trưa 2/8.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, Hải Phòng đã ban hành công điện khẩn, đồng thời tiếp tục đình chỉ các hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa, các hoạt động vui chơi giải trí trên các khu vực, biển, đảo và ven sông bắt đầu từ 17h00 chiều nay 1/8.
Để đảm bảo an toàn về người, tài sản và phương tiện trên sông, biển khu vực Hải Phòng trong thời gian có bão số 3, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hải Phòng vừa có Thông báo: Đình chỉ các hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa, các hoạt động vui chơi giải trí trên các khu vực, biển, đảo và ven sông bắt đầu từ 17 giờ 00 ngày 01/8/2019.Đồng thời, bằng mọi biện pháp thông báo, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động khẩn trương về nơi tránh trú, tổ chức neo đậu an toàn; không để người trên phương tiện, chòi canh thủy sản trong thời gian có bão.
Bất chấp nguy hiểm, khách du lịch vẫn tắm biển Đồ Sơn dù bão số 3 sắp đổ bộ dịp 2018. Ảnh: FB
Trước đó, ngày 31/7, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP, Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hải Phòng đã chỉ đạo thành lập các Đoàn kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại các địa phương trên thành phố. Trong đó, đơn vị phải thực hiện việc kiểm đếm, thông báo cho các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển khẩn trương di chuyển về nơi trú tránh an toàn.
Ngoài ra, cơ quan sở ngành và chính quyền địa phương phải quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu thuyền thủy sản, tàu du lịch, tàu vận tải; tổ chức neo đậu tàu thuyền; gia cố lồng bè thủy sản; không để người trên các tàu thuyền, lồng bè, chòi canh thủy sản khi có gió mạnh hoặc bão đổ bộ, đặc biệt là khách du lịch trên biển và các đảo; giữ liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Đối với các công trình đang thi công, cầu tàu, bến cảng, các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, công trình giao thông, công trình công cộng, hệ thống truyền tải điện, thông tin liên lạc, khu vực khai thác khoáng sản, khu nuôi trồng thủy sản, trang trại, gia trại nông nghiệp, cắt tỉa cây xanh… thì lãnh đạo các sở, ngành phải tổ chức kiểm tra và thực hiện biện pháp đảm bảo đê điều.
Lúc 10 giờ sáng nay (1/8), ông Đặng Trọng Thăng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, Trưởng ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình cũng đã ban hành lệnh cấm biển, nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi bắt đầu từ 10 giờ sáng nay, đồng thời kêu gọi tàu, thuyền về nơi tránh trú an toàn. Tổ chức kiểm đếm phương tiện và giữ thông tin liên lạc thường xuyên với tất cả chủ phương tiện đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.
Trước đó, Quảng Ninh cũng đã tạm dừng cấp phép, thông báo và yêu cầu các phương tiện di chuyển đến điểm tránh trú bão an toàn đối với khu vực Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, Đầm Hà, Móng Cái từ 10h, ngày 1/8; riêng khu vực biển Cô Tô đã tạm dừng cấp phép từ 6h, ngày 1/8.