Tối 18/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Ủy ban nhân dân Tp. Hải Phòng phát động sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật (VHNT) Sống mãi với thời gian giai đoạn 2022-2025.
Sự kiện là hoạt động hướng tới chào mừng kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930 – 3/2/2030) và 85 năm Ngày Quốc khánh (2/9/1945 – 2/9/2030).
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã ghi nhận, biểu dương sáng kiến của Bộ VH,TT&DL trong việc tổ chức cuộc phát động. Đồng thời đề nghị đội ngũ văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tài năng, trí tuệ, nêu cao ý thức, trách nhiệm công dân, rèn luyện đạo đức, bám sát thực tiễn sinh động của công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ mới, để sáng tạo nên các tác phẩm phản ánh hơi thở cuộc sống, có giá trị phụng sự đất nước và nhân dân.
"Những sáng tác VHNT góp phần bồi đắp, nâng cao tư tưởng, tâm hồn, nhân cách, đạo đức, lối sống của con người Việt Nam; dẫn đường và đồng hành với công chúng vươn đến tầm cao về tư tưởng, nghệ thuật và thị hiếu thẩm mỹ; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chi tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Tôi đề nghị Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và địa phương tiếp tục phát huy vai trò là mái nhà chung, nơi quy tụ văn nghệ sĩ cả nước trong sự chan hòa tình đồng nghiệp và niềm vui của sự sáng tạo, cống hiến, thực sự là nơi đại diện cho ý chí, nguyện vọng, là cầu nối giữa đội ngũ văn nghệ sĩ với Đảng và Nhà nước", ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết.
Tiếp đó, ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL khẳng định, văn học, nghệ thuật luôn là vũ khí đấu tranh sắc bén trên mặt trận tư tưởng, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc: “Nghệ thuật là vũ khí, nghệ sĩ là chiến sĩ”.
Từ những câu ca dao, tục ngữ với nội dung châm biếm, đả kích giai cấp thống trị đến các câu chuyện cổ tích, truyện cười có tính đấu tranh xã hội cao; từ những áng văn chương lớn như Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du đến thơ Hồ Xuân Hương… tất cả đều chuyển tải giá trị tư tưởng và tinh thần đấu tranh mạnh mẽ, được lưu danh muôn thủa, trường tồn với thời gian.
Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL chia sẻ thêm, nhiều năm qua, lĩnh vực văn hóa nói chung, văn học, nghệ thuật nói riêng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, từ Đề cương văn hóa năm 1943 đến Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho đến khi đất nước bước vào giai đoạn hội nhập sâu và rộng với quốc tế.
Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đã xác định văn học nghệ thuật là một trong 10 nhiệm vụ trọng tâm. Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước tiếp tục khẳng định: Phát triển văn học, nghệ thuật là một trong những nhiệm vụ then chốt.
"Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 cũng đã đặt ra mục tiêu hằng năm có từ 10-15 công trình nghiên cứu lý luận phê bình văn học, nghệ thuật chất lượng được công bố; 20-30 tác phẩm, công trình văn hóa, văn học, nghệ thuật về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới đất nước; có 2 tác giả đoạt giải thưởng Văn học ASEAN.
Năm 2021 vừa qua, Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII được Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức nhân kỷ niệm 75 năm Bác Hồ chủ trì Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển văn hóa gắn với xây dựng con người Việt Nam.
Sau đây, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, địa phương cùng các văn nghệ sĩ sẽ nhiệt tình hưởng ứng bằng nhiều hoạt động thiết thực, có ý nghĩa để lan tỏa mục đích của buổi lễ này", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ mong muốn.
Hưởng ứng lễ phát động, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, đây không phải là cuộc phát động thông thường mà là lời kêu gọi lương tri của các văn nghệ sĩ, đặt cược lòng tin vào từng trang viết của văn nghệ sĩ, là sự đòi hỏi các văn nghệ sĩ đang cầm bút, đang sáng tạo ở Việt Nam.
Nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh về "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 1946, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng, lời của Bác, các văn nghệ sĩ đều có thể hiểu nhưng quan trọng hơn là hiểu từ trái tim của mình và biến thành hành động thực tế, dân thân một cách vô vụ lợi.
"Dân tộc mang cho chúng ta niềm hạnh phúc, niềm vinh quang vì vậy, một trang viết nhạt nhẽo, thờ ơ với nhân dân, hão huyền là phản bội lại dân tộc. Nếu không viết các tác phẩm ngang tầm thời đại, không mang lại cho lương tri con người, không mang lại những khát vọng cho dân tộc thì chúng ta sẽ trở thành kẻ phản bộ trên từng trang viết của mình.
Trong thâm tâm tôi và nhiều văn nghệ sĩ, lễ phát động ngày hôm nay là ngày quan trọng, là điểm mốc để bắt đầu công việc của mình, khởi động tất cả ý chí, khát vọng, lương tri và hành động của mình trong từng sáng tác VHNT", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ.
Chủ tịch Hội nhà Văn Việt Nam cho biết thêm: "Chưa bao giờ, Đảng và Nhà nước quan tâm đến văn hoá, văn nghệ sĩ như bây giờ. Đây không phải là nghi lễ thông thường mà các cấp Bộ ngành đã thấy sự cần thiết của sự phát triển văn hoá.
Một dân tộc, một quốc gia, một con người đơn lẻ mà không có văn hoá, không có khát vọng văn hoá, không có hành động văn hoá sẽ rời xa tất cả những vẻ đẹp của con người,
Tôi mong rằng, sau lễ phát động, các văn nghệ sĩ sẽ "mở cửa" căn phòng sáng tạo của mình để viết, để gặp nhân dân, dân tộc mình, để có thể kiêu hãnh nói rằng chúng ta sống xứng đáng với những gì tổ tiên, dân tộc, đất nước đã dành cho chúng ta".
Cuộc phát động sáng tác VHNT Sống mãi với thời gian dành cho các tác giả, tập thể tác giả là công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc, học tập, lao động ở trong và ngoài nước, người nước ngoài đang sinh sống, làm việc, học tập, lao động tại Việt Nam. Về thể loại sáng tác, đối với Văn học là Tiểu thuyết và Trường ca; với Sân khấu là Kịch nói, tuồng, chèo, cải lương, ca kịch; với âm nhạc là giao hưởng, hợp xướng, nhạc kịch; với múa là thơ múa, tổ khúc và tịch múa. Ban tổ chức không hạn chế về số lượng tác giả tham gia. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều đề cương, bản thảo tham gia. Đề tài hướng tới phản ánh về phong trào cách mạng trong thời kỳ đổi mới; ca ngợi về truyền thống lịch sử vẻ vang của Đảng, Bác Hồ và những thắng lợi, những thành tựu to lớn của đất nước… Cùng với đó, các tác phẩm dự thi cũng cần phản ánh hiện thực xã hội, người tốt việc tốt, xây dựng nhân cách con người Việt Nam và phong trào học tập, làm việc theo tấm gương đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh; đấu tranh, phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, các quan điểm, hành vi sai trái, suy thoái, tư tưởng, đạo đức, lối sống tiêu cực…; quảng bá, nâng cao vị thế, hình ảnh Việt Nam trên thế giới… Dự kiến, việc đánh giá, tổng kết các tác phẩm sẽ tổ chức vào ngày 3/2/2025. |