Dự báo giá xăng dầu trong nước tăng nhẹ
Thông tin trên Vietnam+, theo mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng mạng nơron nhân tạo (ANN) và thuật toán học có giám sát (Supervised Learning) trong công nghệ học máy của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), giá xăng dầu trong nước có thể đồng loạt tăng nhẹ trong kỳ điều hành ngày 22/5.
Cụ thể, mô hình này dự báo giá xăng E5 RON92 có thể tăng 223 đồng/lít lên mức 20.353 đồng/lít; xăng RON95 có thể tăng 598 đồng/lít lên mức 21.598 đồng/lít; dầu diesel có thể tăng 554 đồng/lít lên 18.204 đồng/lít; dầu hỏa có thể tăng 325 đồng/lít lên mức 18.295 đồng/lít và dầu mazut có thể tăng 103 đồng/lít lên mức 14.963 đồng/kg.
Mô hình này cũng dự báo kỳ điều hành ngày 22/5 có thể trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu khoảng 150 đồng/lít đối với xăng E5 RON92 và 300 đồng/lít đối với xăng RON95, dầu diesel và dầu hỏa.
Theo VPI, sau một tháng chịu áp lực giảm giá, Giá dầu dầu thô trên thị trường thế giới đã có xu hướng tăng trở lại khi các nhà đầu tư lạc quan hơn với các tín hiệu tích của của thị trường.
Ấn Độ có kế hoạch bổ sung 1/4 kho dự trữ dầu chiến lược bằng cách mua thêm khoảng 9,2 triệu thùng dầu trong tháng tới. Liban ký thỏa thuận mua 1,5 triệu tấn dầu mazut mỗi năm để phát điện và 2 triệu tấn dầu từ Iraq để lọc dầu. Saudi Aramco tạm dừng kế hoạch mở rộng mỏ khí khổng lồ Safaniyah...
Chốt phiên giao dịch ngày 19/5, giá dầu WTI giao tháng 6 đạt 71,55 USD/thùng, giá dầu Brent giao tháng 7 đạt 75,58 USD/thùng.
Dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng cho thấy nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2023 sẽ tăng 2,2 triệu thùng/ngày so với năm 2022, lên mức trung bình 102 triệu thùng/ngày. Nhu cầu dầu của Trung Quốc đạt kỷ lục 16 triệu thùng/ngày trong tháng 3/2023 và có thể chiếm gần 60% tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2023.
Trong khi đó, sản lượng dầu toàn cầu trong năm 2023 ước đạt 82,3 triệu thùng/ngày. Từ tháng 4 - 12/2023, nguồn cung dầu của OPEC+ sẽ giảm 850.000 thùng/ngày, trong khi các nước ngoài OPEC+ tăng 710.000 thùng/ngày.
Trong năm 2023, nguồn cung dầu toàn cầu sẽ tăng 1,2 triệu thùng/ngày, dẫn đầu là Mỹ và Brazil. IEA cho rằng thị trường sẽ về trạng thái cân bằng hơn vào nửa cuối năm 2023, khi dự báo nhu cầu sẽ vượt nguồn cung gần 2 triệu thùng/ngày.
Đặc biệt, Bank of America đã hạ dự báo giá dầu nửa cuối năm 2023 về mức trên 80 USD/thùng nhưng vẫn duy trì dự báo giá dầu trung bình năm 2024 đạt 90 USD/thùng. Đồng quan điểm, UBS cũng đã hạ dự báo giá dầu Brent cuối năm nay thêm 10 USD xuống mức 95 USD/thùng.
Tăng theo đà của thế giới?
Theo dự báo của các chuyên gia, giá xăng dầu trong kỳ điều hành ngày mai có thể sẽ tăng theo đà tăng của giá xăng dầu trên thế giới. Tuy nhiên mức tăng bao nhiều sẽ phụ thuộc vào việc trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Nếu đúng như dự báo, giá xăng dầu trong nước sẽ tăng sau 3 lần giảm liên tiếp. Tính từ đầu năm, xăng dầu đã trải qua 14 lần điều chỉnh giá. Trong đó, 7 lần tăng, 6 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.
Trong kỳ điều hành gần đây (11/5), giá xăng dầu được điều chỉnh giảm. Cụ thể: Giá xăng E5 giảm 1.300 đồng/lít, giá bán là 20.130 đồng/lít; Giá xăng RON95 giảm 1.320 đồng/lít, giá bán là 21.000 đồng/lít; Giá dầu diesel giảm 600 đồng/lít, giá bán là 17.650 đồng/lít.
Tại kỳ điều hành này, liên bộ Tài chính - Công thương trích lập 300 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92, xăng RON 95, dầu diesel, dầu hỏa và trích lập 300 đồng/kg với dầu mazut. Cơ quan quản lý không chi quỹ bình ổn đối với các mặt hàng xăng dầu.
Theo Đầu Tư, tại họp báo thường kỳ hôm 18/5, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó vụ trưởng vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho biết, tình hình giá, nguồn cung xăng dầu trong nước còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, trong đó có hoạt động của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn thiếu ổn định…
Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn có vai trò quan trọng trong cung ứng xăng dầu cho đất nước, là nơi cung cấp 35 - 40% thị phần cho nhu cầu nội địa. Trong 4 tháng đầu năm, nhà máy này sản xuất hơn 2,2 triệu tấn xăng dầu các loại, trong đó riêng tháng 4 đã sản xuất được 670.000 - 680.000 tấn xăng dầu các loại.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, nhà máy này mỗi năm cần ít nhất 30 - 45 ngày bảo trì, bảo dưỡng, chưa kể những trục trặc kỹ thuật khác cũng thường xuyên xảy ra và mỗi lần như vậy, Bộ Công thương lo "mất ăn mất ngủ".