Theo tin tức Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 13 giờ ngày 24/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 22,3 độ Vĩ Bắc; 120,5 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực phía Nam Đài Loan. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi vào đất liền các tỉnh Phúc Kiến-Quảng Đông (Trung Quốc). Đến 13 giờ ngày 25/8, vị trí tâm bão ở khoảng 24,8 độ Vĩ Bắc; 115,2 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Phúc Kiến-Quảng Đông-Giang Tây. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km, đi sâu vào đất liền Trung Quốc và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp.
Vị trí và đường đi dự kiến của bão Baidu. Ảnh: nchmf
Để chủ động ứng phó trong tình huống bão có thể thay đổi hướng và ảnh hưởng tới vùng biển Việt Nam trong những ngày tới, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai thông báo và đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện việc thường xuyên theo dõi diễn biến của bão để kịp thời thông báo cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển chủ động các biện pháp phòng tránh; duy trì thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai-Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với hội tụ gió từ mực 1500m đến 5000m nên trong đêm nay và ngày mai (25/8), các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa, cục bộ mưa vừa, mưa to và dông, riêng các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to (lượng mưa phổ biến 50-100mm/24h, có nơi trên 120mm/24h). Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Qua theo dõi trên ảnh mây vệ tinh, số liệu định vị sét và ảnh ra đa thời tiết cho thấy một vùng mây đối lưu đang phát triển ở phía đông và có xu hướng mở rộng về phía nội thành Hà Nội.
Trong khoảng 15 – 20 phút tới vùng mây này bắt đầu gây mưa dông cho các quận Long Biên, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai. Sau đó vùng mưa sẽ lan nhanh sang các quận khác thuộc khu vực nội thành. Trong cơn mưa dông cần đề phòng có tố lốc và gió giật mạnh.