Tin mới

Bão vào biển Đông, Bình Thuận - Kiên Giang đề phòng vòi rồng

Thứ năm, 02/11/2017, 08:31 (GMT+7)

Áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão số 12 trong khi áp thấp nhiệt đới sẽ đổ bộ vào Cà Mau - Kiên Giang.

Áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão số 12 trong khi áp thấp nhiệt đới sẽ đổ bộ vào Cà Mau - Kiên Giang. 

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho hay, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp, trong hơn 1 ngày qua, khu vực các tỉnh từ Huế vào đến Khánh Hòa đã có mưa to đến rất to, nhiều nơi vượt mức trên  200mm như Vân Canh, Bình Định gần 350mm, Sông Hinh, Phú Yên gần 300mm, Phú Lộc, Thưa Thiên Huế trên 200mm.

Cùng lúc khu vực vùng biển phía Nam xuất hiện 2 áp thấp nhiệt đới, trong đó 1 áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão số 12 trong hôm nay.

Tình trạng mưa lớn khiến nước sông tại Nam Trung Bộ lên nhanh. Tại Khánh Hòa, nước sông Ngân đã dâng cao gây ngập sâu 2 bên bờ sông có nơi lên tới 1m. 

Tại khu vực huyện Đồng Xuân, Phú Yên, mưa lớn kết hợp với xả lũ đã khiến ít nhất 5 xã bị chia cắt, chính quyền phải di dời hơn 450 hộ dân.

Trong 6-12 giờ tới, lũ trên sông ở Thừa Thiên Huế, sông Thu Bồn, sông Ba tiếp tục lên, dao động quanh BĐ1-BĐ2, riêng sông Kỳ Lộ tại Phú Yên vẫn trên BĐ3.

Các tỉnh từ Quảng Nam - Ninh Thuận và Bắc Tây Nguyên cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng.

Trong chiều nay, áp thấp nhiệt đới sẽ đi vào các tỉnh Kiên Giang - Cà Mau với sức gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với Không khí lạnh, ở vùng biển Tây Nam quần đảo Trường Sa, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau (bao gồm các huyện đảo Phú Quý, Côn Đảo), vùng biển Cà Mau đến Kiên Giang (bao gồm cả đảo Thổ Chu) có mưa rào và dông kèm khả năng lốc xoáy, vòi rồng; gió mạnh cấp 6, giật cấp 7; biển động.

Ven biển  từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau cần đề phòng nước dâng kết hợp với kỳ triều cường cao khiến mực nước biển có thể lên tới 4-4,5m.

Trên biển Đông đang xuất hiện một áp thấp nhiệt đới mới, dự báo trong hôm nay mạnh lên thành bão số 12.

Đến tối nay, bão nằm trên khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Sau đó bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km và tiếp tục có khả năng mạnh thêm.

Như vậy đúng 20 năm sau bão Linda đổ bộ khiến hơn 3.000 người chết và mất tích, tại vùng biển phía Nam lại xuất hiện một cơn bão mới. 20 năm qua, khu vực này chỉ chịu tác động của 4-5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới.

Hồng Hạnh (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: hoàn lưu áp thấp