Bắt đầu từ hôm nay, Miền Bắc sẽ tăng nhiệt dần tuy nhiên trời nắng hanh, trong khi đó, nửa miền Trung kéo vào đến Nam Bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho hay 2 ngày qua, người dân miền Bắc đã hưởng trọn vẹn đợt se lạnh đầu mùa, vùng núi chuyển rét.
Đêm qua, nhiệt độ bắt đầu nhích nhẹ, thủ đô Hà Nội thấp 20 độ, TP Lạng Sơn lạnh 17 độ, TP Hải Phòng, Sơn La 18 độ, TP Hà Giang 19 độ, riêng Sa Pa (Lào Cai) lạnh 12 độ.
Sang đến hôm nay, mưa nhỏ chỉ còn diễn ra một số nơi tại miền Bắc, trưa chiều trời tạnh ráo, có lúc hửng nắng, nhiệt độ tăng khoảng 3 độ.
Nhiệt độ cao nhất tại Lạng Sơn lên 22 độ, Hải Phòng, Sơn La, Hà Giang 24 độ, thủ đô Hà Nội tăng lên 26 độ, Sa Pa tăng lên 16-17 độ C, TP Điện Biên Phủ 28 độ...
Đà tăng nhiệt sẽ tiếp tục, ngày mai cao nhất tại Hà Nội sẽ lên mức 28-29 độ C, trời nắng ráo nhưng hanh khô, se lạnh về đêm và sáng sớm với nhiệt độ phổ biến 22-23 độ C.
Trong khi đó dọc khắp từ Quảng Bình vào đến Nam Bộ từ hôm nay đến hết ngày 19/10 sẽ có mưa diện rộng, do dải hội tụ nhiệt đới vắt ngang qua Nam Trung Bộ.
Theo đó, các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi mưa phổ biến từ 70-100mm/đợt, riêng Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam 100-150mm/đợt, có nơi trên 200mm.
Từ Bình Định đến Bình Thuận có mưa phổ biến từ 50-100mm/đợt; Các tỉnh phía Nam Tây Nguyên (các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) và khu vực Nam Bộ có mưa từ 70-150mm/đợt.
Do mưa lớn, các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận và khu vực nam Tây Nguyên sẽ xuất hiện 1 đợt lũ. Trong đợt lũ này, mực nước trên các sông phổ biến còn dưới mức BĐ1, riêng các sông ở Ninh Thuận, Bình Thuận có khả năng lên mức BĐ2-BĐ3.
Các tỉnh từ Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng cần lưu ý nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp.
Riêng đối với Nam Bộ, do mưa lớn kết hợp với triều cường khiến nguy cơ xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp thuộc khu vực Nam Bộ, đặc biệt tại TPHCM, Vĩnh Long, Cần Thơ.
Hồng Hạnh (tổng hợp)