Vụ học sinh trường Gateway tử vong: Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội lên tiếng
Theo tin tức từ Tiền phong và VTC, tại phiên chất vất của HĐND thành phố Hà Nội sáng 5/12, Phó trưởng ban VH-XH HĐND thành phố, bà Hoàng Thị Tú Anh đã nhắc đến vụ việc bé trai 6 tuổi trường tiểu học Gateway tử vong vì bị bỏ quên trên ô tô hồi tháng 8. Đại biểu Hoàng Thị Tú Anh thẳng thắn đặt vấn đề, vì sao chỉ sau một năm rà soát các hoạt động của trường ngoài công lập trên toàn thành phố, lại để xảy ra vụ việc đau lòng tại trường Gateway. "Trách nhiệm thuộc về ai?", bà Tú Anh chất vấn.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, Chử Xuân Dũng. Ảnh: Tiền phong
Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở GD&ĐT Chử Xuân Dũng cho biết, trong công tác quản lý nhà trường, Sở luôn quán triệt đến tất cả các hiệu trưởng các trường, chủ nhóm lớp rằng công việc đầu tiên là phải đảm bảo an toàn, an ninh một cách tốt nhất cho các học sinh, giáo viên khi đến trường.
Giám đốc Sở GD&ĐT cũng cho biết thêm, sau khi sự việc tại trường Gateway xảy ra, Sở tổ chức rà soát, báo cáo thống kê, biển số xe, loại xe…gửi kết quả đến công an thành phố. Hiện có 246 trường với 2293 xe khoảng 40.900 học sinh tham gia đưa đón trên địa bàn Thành phố. Sở cũng yêu cầu các trường lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ đảm bảo an toàn, công tác quản lý cần phải chặt chẽ hơn nữa.
Năm 2020: Hà Nội đề nghị tăng hơn 3.000 biên chế giáo dục, y tế
Theo VOV, UBND thành phố Hà Nội có tờ trình gửi HĐND thành phố về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp thành phố Hà Nội năm 2020.
Theo đó, đối với các đơn vị thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế, trước mắt giữ nguyên biên chế được giao năm 2019. Số đề nghị tăng 3.048 biên chế giáo dục, y tế theo định mức Thông báo số 9028-CV/VPTW ngày 11/3/2019 về Kết luận của Bộ Chính trị bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế để đảm bảo “có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp”, “có bệnh nhân thì phải có nhân viên y tế”, hiện đã được Bộ Nội vụ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, sẽ giao bổ sung khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.
Đối với các đơn vị sự nghiệp ngoài giáo dục, y tế, thực hiện giảm 2% biên chế viên chức giao năm 2015 theo chủ trương tinh giản biên chế.
Tập trung chuyển các đơn vị sự nghiệp sang tự chủ để giảm biên chế hưởng lương ngân sách.
Bộ GD&ĐT lý giải Việt Nam không có tên trên bảng xếp hạng PISA
Theo Zing, Bộ GD&ĐT đã giải thích lý do Việt Nam không có tên trên bảng xếp hạng PISA 2018.
Việt Nam không có tên trên bảng xếp hạng PISA
"OECD đã cử trưởng ban phân tích dữ liệu sang Việt Nam làm việc, thẩm định các quyển đề thi của học sinh, phỏng vấn cán bộ, giáo viên trực tiếp tham gia PISA, xác minh dữ liệu. OECD khẳng định Việt Nam không có gì sai sót về quá trình tổ chức thực hiện hoặc thao túng số liệu hay thiên lệch khi chấm điểm", Bộ GD&ĐT thông tin.
Tuy nhiên, vẫn theo Bộ GD&ĐT, kết quả các câu trả lời của học sinh Việt Nam thi trên giấy quá khác biệt với các nước OECD thi trên máy tính, dẫn đến mô hình khác biệt (misfit) với mô hình các nước OECD đang thi trên máy tính.