Giá vàng trong nước tăng dữ dội, vượt mốc 48 triệu đồng/lượng
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết Giá vàng mua vào ở mức 47,35 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 48,2 triệu đồng/lượng, tăng 750.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 1,1 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên giao dịch trước đó. Chênh lệch giá bán đang cao hơn giá mua 850.000 đồng/lượng.
Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng mua vào - bán ra 47,40 – 48 triệu đồng/lượng, tăng 700.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 800.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên giao dịch trước. Chênh lệch giá mua – bán vàng đang ở mức 600.000 đồng/lượng.
Dự đoán về giá vàng tuần tới, các chuyên gia đa số đều nhận định giá vàng sẽ tăng mạnh. Theo khảo sát của Kitco, 92% chuyên gia dự báo giá vàng sẽ tăng. Trong khi đó, không có người dự báo giá vàng đi xuống, trong khi chỉ 1/13 chuyên gia nhìn nhận giá vàng sẽ đi ngang.
Giá Bitcoin đổ sập, 40 tỷ USD ‘bốc hơi’
Lúc 7h ngày 9/3, giá Bitcoin trên sàn Bitstamp ở mức 8.091 USD, giảm 9,8%, tương đương mỗi coin mất gần 800 USD.
Theo CoinMarketCap, trong 24 giờ gần nhất, khối lượng Bitcoin giao dịch đạt 39 tỷ USD, vốn hóa thị trường ở mức 148 tỷ USD.
Bitcoin giảm dẫn dắt cả thị trường lao dốc. Theo đó, Ethereum tụt dốc tới 15%, về mức 200,6 USD, vốn hóa giảm sâu xuống còn 22 tỷ USD, khối lượng giao dịch trong 24 giờ qua là 21 tỷ USD.
Tại Việt Nam, giá Bitcoin được điều chỉnh bám sát giá thế giới, hiện mỗi Bitcoin được mua với mức 192 triệu đồng, bán mức 197 triệu đồng. Như vậy, so 24 giờ trước, giá Bitcoin giảm 7%.
FDI toàn cầu có thể giảm tới 15% vì Covid-19
Ngày 8/3, chuyên gia kinh tế của Liên Hợp Quốc dự đoán đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu có thể giảm tới 15% trên toàn cầu do sự bùng phát của Covid-19.
Hội nghị LHQ về Thương mại, Đầu tư và Phát triển (UNCTAD) ước tính, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại từ 0, 5 - 1,5% trong năm nay tùy thuộc vào thời gian bùng phát của dịch Covid-19.
Các dự báo hồi tháng 1 của Hội nghị LHQ về Thương mại, Đầu tư và Phát triển cho biết, dòng vốn FDI toàn cầu trong năm nay và năm sau sẽ ổn định, với tiềm năng tăng lên tới 5%.
Báo cáo cũng cho thấy hơn 2/3 trong số 100 công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới đã đưa ra tuyên bố về tác động của dịch bệnh đối với hoạt động kinh doanh và có tác động làm chậm chi tiêu vốn ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi virus.
Lo sợ Covid-19, chứng khoán Việt giảm mạnh nhất trong hơn 18 năm
Chốt phiên sáng, VN-Index giảm hơn 51 điểm, tương đương 5,8% xuống 839,85 điểm. VN30-Index giảm 5,86% còn 786,98 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index mất 6,13%, còn UPCOM-Index giảm 4,46%.
Tiêu cực nhất là nhóm dầu khí do ảnh hưởng từ Giá dầu lao dốc tới hơn 30% xuống chỉ còn khoảng 30 USD/thùng, thấp nhất trong nhiều năm. Đà giảm lan rộng đến hàng trăm cổ phiếu lớn nhỏ trên sàn.
Đến phiên chiều, số mã chứng khoán giảm sàn tiếp tục tăng cao. Trong nhóm VN30 có đến 23 mã giảm hết biên độ 7%. Những mã khác trong nhóm này như SAB, REE, VJC, MSN… đều ngấp nghé mức giá sàn.
Kết phiên, VN-Index giảm 55,95 điểm (-6,28%) xuống 835,49 điểm. Đây được xem là mức giảm mạnh nhất trong vòng hơn 18 năm qua kể từ ngày 3-10-2001 (-6,45%). Toàn sàn HoSE có đến 368 mã giảm, gần một nửa giảm sàn, trong khi chỉ có 34 mã tăng và 14 mã đứng giá.
Covid-19: Khẩu trang vừa kháng khuẩn, vừa kháng nước, tái sử dụng nhiều lần sắp xuất hiện
Thông tin từ tập đoàn dệt may Vinatex cho biết, tính đến ngày 7/3, các đơn vị thành viên của Vinatex đã cung ứng khoảng 8,5 triệu khẩu trang vải kháng khuẩn ra thị trường. Riêng tuần rồi, số lượng khẩu trang vải kháng khuẩn đến tay người tiêu dùng là 3 triệu chiếc, do nhu cầu của người dân tiếp tục tăng cao.
Việc có thêm Công ty cổ phần Dệt lụa Nam Định đơn vị trực thuộc Tập đoàn tham gia sản xuất đã giúp tăng nguồn nguyên liệu vải kháng khuẩn cho may khẩu trang. Trong đó, sản lượng vải dệt thoi kháng khuẩn do Dệt lụa Nam Định cung cấp đạt 200.000 mét vải/tháng, tương đương với việc may 70.000 khẩu trang/ngày.
Cùng với việc nâng năng suất may khẩu trang ở 18 đơn vị thành viên trong Tập đoàn lên mức trần (từ 400-500 khẩu trang/công nhân/ngày), vì thế, đơn vị này khẳng định số lượng khẩu trang cung ứng cho thị trường nội địa có thể chủ động và đáp ứng nhu cầu.
Hiện tại, Dệt kim Đông Phương (một đơn vị thành viên của Vinatex) đã nghiên cứu và chuẩn bị sản xuất thêm vải dệt thoi kháng nước, cho ra đời sản phẩm vừa kháng khuẩn, vừa kháng nước.
CTCP Đầu tư và Thương mại TNG cho biết, doanh nghiệp sản xuất với năng lực 100.000 chiếc/ngày, cho ra đời khẩu trang vải Nano, có lớp than hoạt tính, năng lọc bụi, mùi và vi khuẩn.
Bộ Y tế cũng đã thông tin, cả nước hiện có 39 đơn vị sản xuất khẩu trang y tế với khoảng 3 triệu khẩu trang/ngày. Trước nhu cầu sử dụng trong dịch Covid-19, các đơn vị đang tăng ca sản xuất cung ứng sản phẩm; đồng thời tìm kiếm nguồn nguyên liệu để duy trì sản xuất mặt hàng này.
Doanh thu giảm chóng mặt, doanh nghiệp bia kêu cứu Thủ tướng
Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) vừa có công văn gửi Thủ tướng cùng Bộ trưởng các Bộ Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Công Thương, Tư pháp… kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho ngành bia, rượu, nước giải khát.
VBA cho biết, từ đầu năm 2020, ngành bị ảnh hưởng bởi tác động kép do dịch Covid-19 và Nghị định 100 nên sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn.
Theo đó, hai tháng đầu năm, sản lượng tiêu thụ của các doanh nghiệp trong ngành đều sụt giảm mặc dù vào đúng dịp Tết và mùa lễ hội, mùa có sản lượng tiêu thụ lớn nhất trong các năm trước đây.
Nhiều doanh nghiệp giảm sản lượng tiêu thụ đến 40-50% trong hai tháng vừa qua. Nhiều hàng quán dịch vụ ăn uống giảm đến 70-80% lượng khách so với cùng kỳ 2019. “Giảm sản lượng tiêu thụ tác động tiêu cực làm giảm Doanh thu, các doanh nghiệp nhỏ có thể phải đóng cửa do làm ăn khó khăn”, VBA cho biết.