Dưới trướng Đường Nhuệ, dịch vụ tang lễ hoạt động "lệch sóng" liền bị chặn xe đánh đập, cắt địa bàn
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình vừa hoàn tất kết luận điều tra bổ sụng vụ án "cưỡng đoạt tiền hỏa táng" do Đường Nhuệ cầm đầu.
Theo kết luận điều tra, ngày 25/11/2017, gia đình ông B.V.H. tổ chức tang lễ cho mẹ vợ tại thôn Cun, xã Tân Hòa, Hưng Hà nên nhờ ông Nguyễn Viết H. (SN 1959, người cùng huyện) liên hệ dịch vụ hỏa táng.
Do có mối quan hệ với bên Công ty Hoàng Long, ông Nguyễn Viết H. đã liên hệ với ông Trần Đình Giao (Chủ tịch Công ty Hoàng Long – đơn vị sở hữu Đài hỏa táng Thanh Bình); ông Giao sau đó bảo anh Nguyễn Thế Việt (phụ trách hỏa táng địa bàn Thái Bình) làm dịch vụ hỏa táng cho nhà ông H., nhưng Ninh Đức Lợi biết sự việc này đã báo lại Đường Nhuệ.
Cũng theo nội dung kết luận điều tra, để hợp thức hóa hành vi phạm tội, nhóm của Đường Nhuệ yêu cầu các đơn vị hỏa táng ký hợp đồng với Công ty Đường Dương để ràng buộc. Nếu các đơn vị, cá nhân cố tình vi phạm nội quy, trốn báo ca hoặc hoạt động sai địa bàn sẽ bị chặn xe, đánh đập, cắt địa bàn hoạt động.
Cơ quan điều tra cáo buộc từ tháng 12/2017 tới tháng 4/2020, Đường cùng đồng phạm đã chiếm đoạt gần 2,5 tỷ đồng. Trong số 25 bị hại ở Thái Bình có Công ty Vĩnh Hằng là đơn vị bị chiếm đoạt nhiều tiền nhất (645 triệu đồng), đại diện công ty này từng ý kiến về việc thu tiền nhưng bị Đường đe dọa, chèn ép.
Trong vụ án, Nguyễn Thị Dương (vợ Đường Nhuệ) là người ký đóng dấu trong hợp đồng giữa Công ty Đường Dương với các đơn vị khác. Ninh Đức Lợi, Nguyễn Khắc Nin và Phạm Văn Úy được Đường giao phụ trách việc thu tiền. Những bị can này giúp thu về gần 2,2 tỷ đồng nên bị đề nghị truy tố cùng khung hình phạt với Đường theo Khoản 4, Điều 170 có hình phạt tối đa là 20 năm tù.
Bắt 2 ô tô chở người trốn chốt kiểm dịch Covid-19
Chiều 3/2, Công an quận Hải An, Hải Phòng cho biết, đang củng cố hồ sơ, xử lý nhóm đối tượng trốn chốt kiểm soát dịch Covid-19.
Sáng cùng ngày, tại cuối đường Tân Vũ – Lạch huyện, Công an quận Hải An kiểm tra, phát hiện 2 xe ô tô chở 5 khách từ chân cầu Tân Vũ tới nút giao để vào thành phố Hải Phòng.
Cụ thể, lái xe được xác định là Nguyễn Văn Hùng (SN 1988, trú tại phường Tràng Cát, Hải An, Hải Phòng), điều khiển xe ô tô BKS 15A-201.97 chở 4 khách chưa rõ danh tính.
Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng phát hiện lái xe Nguyễn Tuấn Khiêm (SN 1991, trú tại thị trấn Núi Đèo, Thủy Nguyên, Hải Phòng) chở 1 khách. Đến khu vực trạm kiểm soát dịch Covid-19 cuối đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, để vào thành phố, các đối tượng đã cố tình điều khiển ô tô đi vào đường mòn hòng tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng.
Ngay sau đó, các đơn vị chức năng đã bố trí lực lượng, chặn lối mở tự phát đoạn cuối đường Tân Vũ - Lạch Huyện để bảo đảm giao thông và công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Không tuân thủ quy định ra vào vùng dịch COVID-19, 3 người bị phạt 75 triệu đồng
Chiều 2/2, Công an thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) vừa tống đạt Quyết định của UBND thị xã Đông Triều xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 người do vi phạm quy định không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch thuộc nhóm A tại chốt kiểm soát cầu Đá Vách (ở phường Mạo Khê, TX Đông Triều).
Cụ thể, 3 người gồm: Phạm Thị Thúy (SN 1977, Khu Bích Nhôi 1, phường Minh Tân, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương); Bùi Văn Hồng (SN 1971, xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) và Cao Văn Vang (SN 1967, Khu Tràng Bảng 2, phường Tràng An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh).
3 trường hợp trên đã không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch thuộc nhóm A được quy định tại Điểm a, Khoản 4, Điều 12, Nghị định 117 của Chính phủ trong lĩnh vực y tế.
"Chém gió" là cán bộ Văn phòng Chính phủ, lừa đảo 7,2 tỷ đồng
Viện KSND TP Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố Nguyễn Trung Kiên (SN 1984, trú tại phường Ái Quốc, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Theo cáo trạng, tháng 1/2020, chị H. (ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cùng nhiều cá nhân khác gửi đơn đến Công an TP Hà Nội tố cáo Nguyễn Trung Kiên có hành vi nhận tiền xin "chạy" dự án hoặc xin việc cho những cá nhân hoặc công ty có nhu cầu. Sau khi nhận tiền, Kiên không thực hiện như cam kết mà chiếm đoạt toàn bộ số tiền đã nhận.
Quá trình điều tra xác định, Kiên không có nghề nghiệp ổn định nhưng luôn "nổ" là đang công tác tại Văn phòng Chính phủ hoặc Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nên có nhiều mối quan hệ, có khả năng xin việc, "chạy" dự án, mua căn hộ giá rẻ...
Tin tưởng những điều Kiên nói là thật, nhiều người đã đưa hồ sơ và tiền cho Kiên nhờ xin việc. Chỉ trong thời gian ngắn, Kiên đã lừa đảo chiếm đoạt của 6 bị hại số tiền hơn 7,2 tỷ đồng.