Phát biểu tại toạ đàm trực tuyến “Sách giáo khoa và câu chuyện xã hội hoá giáo dục” được tổ chức sáng 3/11, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đánh giá: “Nghị quyết 88 và Luật Giáo dục quy định xã hội hoá SGK là chủ trương hết sức đúng đắn, đột phá, chuyển từ cơ chế độc quyền sang cơ chế xã hội hoá nhằm để khai thác, phát huy, sử dụng nguồn lực xã hội có hiệu quả và đáp ứng yêu cầu của phát triển".
"Nhưng tôi cảm tưởng xã hội hoá như tiếng kèn ngập ngừng”, bà Thuý chia sẻ.
Nguyên nhân, theo bà Thuý là do ngay từ năm đầu triển khai chương trình mới, đã có ý kiến đề nghị chỉ có một bộ SGK và cho đến hiện nay vẫn có những ý kiến trái chiều.
Thứ hai, đưa ra quy định xã hội hoá biên soạn SGK, nhưng đến giờ phút này chưa có những quy định khuyến khích gì kèm theo. Không những thế, sau Nghị quyết 88 cũng có những quy định khác ảnh hưởng đến SGK.
Ở đây bà Thuý ví dụ Luật Giáo dục giao quyền quyết định việc chọn SGK cho UBND cấp tỉnh trong khi đó, Nghị quyết 88 giao cho các trường THPT chọn SGK. Điều này làm ảnh hưởng hạn chế phần nào đến việc được chọn một bộ sách ưng ý đến học sinh và phụ huynh, dẫn đến tiêu cực, tham nhũng trong quá trình phát hành sách.
“Tới đây, Luật Giá đang được sửa đổi, đưa SGK vào mặt hàng để Nhà nước định giá thì tôi nghĩ rằng cũng có tác động tiêu cực đến việc thực hiện xã hội hoá SGK. Tôi lấy ví dụ chúng ta dễ nhận thấy SGK Tiếng Anh có giá cao hơn hẳn so với các môn học khác. Bởi vì hầu hết sách của nhà xuất bản nước ngoài được một số nhà sách Việt Nam mua bản quyền rồi điều chỉnh nội dung cho phù hợp.
Nếu định giá rẻ, chắc chắn chỉ có một bộ sách được biên soạn theo đề án Ngoại ngữ quốc gia, và bây giờ trở thành SGK của một nhà xuất bản đáp ứng được, còn các nhà sản xuất khác khó theo được giá đó”, bà Thuý phân tích.
Ở đây đại biểu Quốc hội băn khoăn liệu các nhà xuất bản khác có tiếp tục mua bản quyền và làm sách Tiếng Anh hay không?
Đại diện ngành giáo dục, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho rằng sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 88 chúng ta đã có 4 kết quả đạt được.
“Trước hết, Nghị quyết 88 đã giúp xoá bỏ độc quyền trong in ấn, phát hành, biên soạn sách. Đến thời điểm này, sau thời gian ngắn chúng ta có 7 nhà xuất bản tham gia biên soạn SGK..
Thứ 2, huy động được lực lượng nhà giáo, khoa học tham gia biên soạn, thẩm định sách. Tạo ra lực lượng trí thức phục vụ cho nhiệm vụ trước mắt và lâu dài”, Thứ trưởng bày tỏ.
Bên cạnh đó, xã hội hoá giúp cho học sinh, giáo viên lựa chọn những bộ sách phù hợp với điều kinh tế-xã hội, đặc điểm vùng miền; Giảm gánh nặng đầu tư công cho Nhà nước. Thứ trưởng phân tích để biên soạn một bộ và các chi phí khác phải mất ít nhất 400 tỷ/bộ, nhưng quan trọng nhất cơ hội lựa chọn làm nên.
Tuy nhiên, những điều còn khiếm khuyết chúng tôi tiếp thu và chỉnh sửa trên phương diện quản lý của mình.
Dưới góc độ chuyên gia, TS. Vũ Thu Hương – Chuyên gia Giáo dục độc lập giải thích về xu hướng hiện nay.
“Mỗi đứa trẻ có năng lực và điều kiện sống, hoàn toàn khác nhau, vì vậy tối nhất mỗi em học sinh có một SGK riêng, giúp các em cóp thể tiếp cận những góc độ khác nhau và được lựa chọn”, bà Hương cho biết.
Theo bà Hương, điều tố nhất hiện nay chúng ta đang có ba bộ SGK, thì mỗi em nên có cả ba bộ để có thể tham khảo nhiều sách khác nhau.
Bà Hương chia sẻ: “Nhiều SGK cho một chương trình là điều tuyệt vời cho các em học sinh, tuy nhiên việc chúng ta thực hiện như thế nào sẽ dẫn đến hiểu nhầm trong suốt thời gian thực hiện”