Tin mới

Tôi phải làm sao khi nảy sinh tình cảm với chị gái con nuôi ba mẹ?

Thứ hai, 07/09/2015, 10:36 (GMT+7)

Nhìn chị đau đớn, trong tôi trào lên một thứ tình yêu mãnh liệt. Tôi ôm chặt chị trong đôi tay rắn chắc của mình. Không ai nói với ai, nhưng tôi biết chị cũng như tôi, cũng đang tơi bời giông bão.

Nhìn chị đau đớn, trong tôi trào lên một thứ tình yêu mãnh liệt. Tôi ôm chặt chị trong đôi tay rắn chắc của mình. Không ai nói với ai, nhưng tôi biết chị cũng như tôi, cũng đang tơi bời giông bão.

Ngày cha tôi mất, chị vừa tròn 6 tuổi, còn tôi mới giáp thôi nôi. Ba tôi mất đi, cả nhà thiếu một bờ vai chống đỡ. Mẹ tôi như một thân cây đổ ập xuống sau cơn giông tố, suốt ngày mẹ nằm rũ trên giường, dù không bệnh tật gì. Tôi mỗi lần đói sữa lại ngằn ngặt khóc vì rúc mãi mà vú mẹ không ra một giọt sữa nào. Chị tôi thương em không biết làm sao chỉ biết khóc theo.

Không biết bao lâu thì cả ba mẹ con mới vượt qua được khoảng thời gian khủng khiếp ấy. Mẹ trở dậy tảo tần nuôi hai chị em khôn lớn. Sáng sớm, mẹ bắc nồi cơm lên bếp rồi ra khỏi nhà lúc tôi còn ngủ say, chiều mẹ về thì trời đã nhá nhem tối.

Vì thế, tôi lớn lên hầu như ở bên cạnh chị nhiều hơn mẹ. Lên 8 tuổi chị mới được đến trường. Đi học, chị dắt tôi theo, dặn tôi chỉ được chơi loanh quanh ở sân trường để chị có thể trông thấy. Trong khi đợi chị, tôi thường ngồi ở góc sân ngóng tai nghe cô giáo giảng bài. Có khi về nhà tôi còn nhắc lại cho chị. Chị khen tôi sáng dạ. Tôi theo chị không chán là vì vậy.

Bao giờ tiếng trống tan trường với tôi cũng là thứ âm thanh rộn ràng nhất, mong đợi nhất. Chị ôm cặp sách, cõng tôi trên lưng, băng qua những cánh đồng, đôi chân trần giẫm lên gốc rạ đi tắt về nhà.

Bỏ tôi xuống, chị vội vã bắc nồi cơm lên bếp, tiếng củi khô kêu lắc rắc, tôi thích thú ngồi nhìn say sưa những cái hoa lửa bám vào đít nồi nhấp nháy vụt tắt, vụt xòe, quên luôn cả tiếng sôi ùng ục của cái bụng lép kẹp. Đó là một trong không biết cơ man nào kỷ niệm mà tôi có được với chị.

Ngày đầu tiên tôi đi học cũng là ngày chị từ giã mái trường. Chị cõng tôi trên lưng tới lớp. Tôi lớn thêm một chút, chị dắt tay, lớn thêm một chút nữa, chị đèo sau chiếc xe đạp cũ mỗi ngày đưa tôi đi học.

Nghỉ học ở nhà, chị phụ mẹ đi làm thuê, làm mướn. Rồi chị trở thành thiếu nữ, đẹp lạ lùng. Tóc chị bóng mượt và dài đến tận thắt lưng. Da trắng, má lúm đồng tiền, chỉ có đôi mắt của chị lúc nào cũng ướt và buồn, kể cả khi chị cười ánh mắt vẫn cứ xa xăm.

Ngày nhận được giấy báo trúng tuyển đại học của tôi, hai hàng nước mắt chị lặng lẽ lăn dài. Chị chạy lòng vòng khắp mấy chỗ chị hay làm thuê, lấy tiền cũ, mượn tiền mới, gom góp sắm sửa mấy thứ vật dụng cần thiết chuẩn bị cho tôi lên thành phố nhập học.

Sang năm ba, tôi vào chuyên ngành, chương trình học rất vất vả và tốn kém. Chị vẫn đều đặn gửi tiền lên cho tôi trang trải. Chị dặn tôi phải lo học, không phải lo gì cho mẹ và chị, chị lo được hết. Tôi biết, để tôi được học hành tới nơi tới chốn, mẹ và chị phải vất vả rất nhiều. Tôi chưa kịp đền đáp thì mẹ tôi bị tai biến phải nằm một chỗ. Bao nhiêu vất vả lại đổ trút hết lên đôi vai nhỏ bé của chị.

Từ ngày mẹ bệnh, tôi về nhà nhiều hơn. Trong một lần như vậy, nhân lúc chị vắng nhà, mẹ kêu tôi lại dặn dò đủ thứ chuyện. Mẹ luôn dặn đi dặn lại, tôi phải thương yêu, quý trọng chị, chị đã hy sinh cho tôi rất nhiều. Sinh ra chị đã phải chịu cảnh côi cút, về ở với cha mẹ chị lại chịu tiếp cảnh mồ côi, nghèo khó. Mẹ thấy rất có lỗi với chị.

Tôi nghĩ mẹ bệnh tật, bị ám ảnh bởi cái chết nên đôi khi đầu óc không còn minh mẫn nên nói vậy. Nhưng không phải, sau một hồi cố nén, mẹ cho tôi biết một sự thật mà tôi không bao giờ ngờ tới. Chị không phải là chị ruột của tôi. Chị là đứa trẻ bị bỏ rơi, được cha mẹ tôi lượm về nuôi từ lúc còn đỏ hỏn. Thương chị, đến bốn năm sau, cha mẹ mới quyết định sinh tôi.

Mẹ ngậm ngùi kể lể, đời chị chưa có một ngày thảnh thơi sung sướng, vì phải lo nuôi tôi ăn học mà chị đã bỏ lỡ mấy cơ hội lập gia đình. Nay mẹ thế này không biết chừng chị ở giá. Mẹ dặn tôi cố gắng học, sau này có công việc kiếm được tiền nhất định phải chăm lo cho chị. Chẳng may về già mà chị vẫn sống một mình thì phải nuôi chị đến hết đời...

Tôi ngồi nghe mẹ nói mà thương chị đứt từng đoạn ruột. Xong kỳ thực tập, ba tháng nữa là tôi báo cáo luận văn tốt nghiệp, thì bệnh mẹ tôi trở nặng phải chuyển viện lên thành phố. Chị thu xếp nhà cửa theo lên nuôi mẹ. Cũng may, bệnh viện ở gần chỗ phòng trọ của tôi, nên cũng tiện cho chị tới lui tắm giặt thoải mái hơn.

Một buổi tối, tôi đang ngồi soạn bài thì chị về tới. Tôi nói: "sao chị không gọi em vô thay". Chị bảo: "Không sao, mẹ mới vừa uống thuốc, đã ngủ rất say, chị gửi cho cô bé kế bên một chút". Nói rồi chị vội vã vào phòng tắm. Nghe tiếng hét lên trong phòng tắm, theo phản ứng tự nhiên, tôi tông cửa chạy vào.

Chị nằm sõng soài dưới nền gạch ướt, chưa kịp mặc quần áo. Tôi hốt hoảng đỡ chị lại giường nằm. Vô tình nhìn chị với những đường cong tuyệt mỹ, làn da trắng hồng mịn màng như một quả táo thơm, bất giác đôi tay tôi run rẩy, trái tim tôi trào lên một thứ tình yêu mãnh liệt. Tôi ôm chặt chị trong tay, gục đầu vào ngực chị, khóc nức nở. Lần đầu tiên tôi biết mình thật sự đã yêu.Và oan nghiệt thay, tôi yêu chị gái của mình.

Ảnh minh họa 

Trong khi tôi đau đớn nhận ra điều đó, thì chị nằm yên trong tay tôi không có phản ứng gì.

Tất cả xảy ra như một sắp bày của định mệnh. Những ngày chị nằm bẹp không đi lại được, tôi vừa chăm mẹ, vừa chăm chị. Trong căn phòng trọ chật chội, chúng tôi lại có dịp quấn quýt bên nhau như ngày còn bé. Chị lặng lẽ đáp lại tình yêu của tôi. Không ai nói với ai nhưng tôi biết, chị cũng như tôi, cũng đang tơi bời giông bão trong lòng. Chúng tôi phải làm sao trước tình cảnh này đây?

Góc chuyên gia tâm lý: Ân tình và tình yêu là hai tình cảm khác nhau

Chào bạn!

Câu chuyện của bạn quả thật khiến người ta rơi nước mắt về đức hy sinh thầm lặng mà cao quý của chị bạn, người con gái mồ côi được cha mẹ bạn đưa về nuôi. Là người trực tiếp nhận được ân tình đó, hẳn bạn rất cảm phục và thương chị nhiều hơn.

Tình cảm là thứ dễ đến với tất cả những ai chịu một phút lắng lòng mình lại. Nhưng trong vô vàn thứ tình cảm, mới có một cái gọi là tình yêu nam nữ đích thực.

Đôi khi con người vẫn thường nhầm lẫn và chọn sai, nhưng đã có tình cảm thì trách nhiệm cũng đi kèm nên khó chia lìa. Nhưng cho dù tình cảm ấy có mặn mòi đến bao nhiêu, thì cũng có lúc người ta nhận ra rằng có những khoảng trống của cái gọi là không có tình yêu đích thực.

Có thể nói rằng gia đình bạn đều là những người rất nhạy cảm, rất dễ cảm nhận. Trong quá trình bạn trưởng thành đều có dấu ấn, tình thương của chị bạn dành cho bạn. Thứ tình cảm ấy xuất phát từ lòng thương vô bờ với đứa em.

Thậm chí chị của bạn đã hy sinh cả tuổi trẻ để bươn chải vì bạn và mẹ bạn. Nhưng điều đó đồng nghĩa với việc chị bạn có mặc cảm trong chuyện tình yêu nam nữ. Giây phút hai chị em bạn từ phòng tắm đi ra rõ ràng đã tác động đỉnh điểm lên tâm lý của cả hai chị em.

Chị bạn là người con gái giàu đức hy sinh, có thể chưa hề cảm nhận được thứ tình yêu nam nữ. Còn bạn, một thanh niên chưa từng đụng chạm đến cơ thể một phụ nữ trưởng thành. Trong giây phút ấy, thị giác đã chi phối tâm lý của cả hai người. Lâu dần cái cảm giác ấy kích thích tâm lý ham muốn.

Điều đó đồng nghĩa với việc lệch lạc trong khái niệm tình yêu. Tình yêu của hai người là tình cảm chị em đã bị tác động bởi kích thích thị giác. Sẽ tốt nếu đó là tình yêu nam nữ thật sự vì hai người không cùng máu mủ, nhưng đó chỉ là sự đồng cảm trong cảnh khốn cùng, trong nỗi tuyệt vọng, bị kích thích bởi giác quan.

Dù sao bạn cũng sắp ra trường và đang trong thời điểm tích cực học hành, đừng để những thứ khó phân tích ấy chi phối. Một vài năm sau có thể suy nghĩ của bạn đã thay đổi, khi bạn nhớ lại chuyện này cảm giác sẽ hoàn toàn khác.

Bây giờ bạn chưa có gì trong tay, trả nghĩa cũng chỉ bằng tình cảm, nhưng đừng hiểu nhầm nó. Bạn cũng đã đủ tuổi tự lập, chỉ có tự lập bạn mới có lựa chọn đúng và không bị chi phối bởi ân tình. Chúc bạn sớm hoàn thành khóa học và luôn Bình An!

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news