Ngày 24/8, hãng tin Al Jazeera (hãng tin nhà nước của Qatar), đã tung ra một tài liệu mật cho thấy chương trình hộ chiếu của Cyprus, cho phép các chính trị gia mua hộ chiếu châu Âu. Hộ chiếu của quốc đảo Cộng hòa Síp (Cyprus) ở châu Âu có giá là khoản đầu tư tối thiểu 2,15 triệu Euro để trở thành công dân EU.
Tài liệu rò rỉ của chính phủ Cyprus cho thấy đảo quốc này bán quốc tịch cho hàng chục nhân vật bị cáo buộc vi phạm pháp luật ở nước khác, mở đường để họ vào châu Âu. Ảnh: ekathimerini
Cụ thể, hãng tin này đã tung ra một loạt bài viết dẫn từ trang tài liệu mật được nhóm điều tra của Al Jareeza thu thập được, gọi là 'The Cyprus Paper'. Theo thông tin này, chương trình hộ chiếu của Cyprus cho phép những ai đầu tư ít nhất 2,15 triệu Euro (khoảng 2,5 triệu USD) được sở hữu hộ chiếu quốc đảo nhỏ (diện tích 10.000km2, dân số 1,1 triệu người) tại Địa Trung Hải.
Những hồ sơ này cho thấy hàng chục nhân vật đã bị kết án lừa đảo, rửa tiền hoặc tham nhũng từ hơn 70 quốc gia vẫn mua được 'hộ chiếu vàng' theo Chương trình Đầu tư Cyprus (CIP).
Điều này đồng nghĩa với việc cá nhân đó trở thành công dân EU, được đi lại, làm việc tự do ở 27 nước thành viên EU và có thể nhập cảnh vào 174 quốc gia mà không cần visa.
Hãng tin Al Jazeera thu thập được thông tin hơn 1.400 đơn xin cấp hộ chiếu Cyprus và phát hiện chúng được bán cho một số tội phạm, những người đào tẩu và cả doanh nhân Việt Nam.
Một đại biểu Quốc hội của TP.HCM cũng bị Al Jazeera cáo buộc có tên trong danh sách này.
Trước thông tin trên, sáng 25/8, trao đổi với Zingnews.vn, Dân trí, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết ông 'giật mình' khi nghe thông tin một đại biểu Quốc hội mua hộ chiếu Cyprus (Cộng hòa Síp). Ông nói chưa từng nhận được báo cáo về việc này.
Tổng thư ký Quốc hội cũng lưu ý hiện có rất nhiều thông tin 'méo mó', không chuẩn xác nên cần tiếp nhận, xác minh thận trọng. Theo ông Phúc, thẩm quyền quản lý đại biểu thuộc Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong khi đó, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy cho biết sẽ giao đơn vị chức năng kiểm tra ngay.
Khi PV cố gắng liên hệ với vị đại biểu Quốc hội liên quan tới cáo buộc này nhiều lần, phóng viên không nhận được phản hồi.
Được biết, hồi năm 2016, một nữ đại biểu Quốc hội là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường từng bị xử lý vi phạm do có quốc tịch ở Malta và không kê khai tài sản ở nước ngoài.