Theo tin tức từ Người Lao Động, VOV, chiều ngày 9/10, tại Trung tâm Báo chí TPHCM, Sở Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) TPHCM họp báo thông tin về diễn biến hiện tượng mù quang hóa và tình hình chất lượng môi trường không khí trên địa bàn thành phố.
Điều đáng nói là lãnh đạo Sở TN-MT TP HCM lại vắng mặt khiến nhiều phóng viên thắc mắc. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo này, ông Cao Tung Sơn - Giám đốc Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường, thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM - đã chủ trì buổi họp báo về ván đề ô nhiễm được người dân quan tâm.
Ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường (TNMT) thông tin về tình hình ô nhiễm không khí tại TP.HCM. Ảnh: Tri thức trực tuyến
Đánh giá về chất lượng không khí thời gian qua, ông Cao Tung Sơn cho rằng kém so với cùng kỳ năm 2018. Số liệu đo được từ các trạm quan trắc cho thấy nồng độ bụi mịn thường vượt ngưỡng cho phép nhiều lần.
Theo đó, kết quả ô nhiễm 9 tháng đầu năm 2019 cho thấy ô nhiễm không khí trên địa bàn TP.HCM chủ yếu do bụi lơ lửng và tiếng ồn từ các hoạt động giao thông. Cụ thể, kết quả quan trắc tại 19 vị trí giao thông cho thấy số liệu bụi lơ lửng vượt 50,8% và số liệu tiếng ồn vượt 93,9% quy chuẩn cho phép.
Kết quả này dựa trên quan trắc chất lượng không khí hàng tháng tại 30 vị trí với tần suất 10 ngày trong tháng vào 2 thời điểm (7h30-8h30 và 15h-16h).
Nguyên nhân gây ô nhiễm, theo ông Sơn, chủ yếu từ 3 loại nguồn thải: Hoạt động giao thông, hoạt động công nghiệp và hoạt động xây dựng.
Chất lượng không khí TP HCM kém do nồng độ bụi vượt chuẩn cho phép. Ảnh NLĐ
Cũng theo tin tức từ Tri thức trực tuyến, thông tin từ Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường cho biết, từ ngày 18 đến 22/9, thành phố TP HCM xảy ra hiện tượng sương mù quang hóa làm giảm tầm nhìn và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Kết quả quan trắc tại 30 vị trí ở thành phố cho thấy sự gia tăng đột biến các chất ô nhiễm như bụi lơ lửng, PM10, PM2.5, NO2, SO2, CO trong các ngày 18-20/9, mức tăng 1,4 đến 2,2 lần. Đặc biệt, các thông số bụi lơ lửng, PM10, PM2.5 có tỷ lệ vượt chuẩn 25-50% trong ngày 20/9.
Thừa nhận việc cảnh báo ô nhiễm chậm và chưa thể dự báo sớm đến người dân, ông Sơn mong người dân chia sẻ bởi hiện nay, công tác lấy mẫu, phân tích mẫu tại các trạm quan trắc thực hiện thủ công, gián đoạn và phải mất một thời gian mới cho ra kết quả.
Chưa kể, hiện tượng mù quang hóa năm 2019 không diễn ra theo quy luật mà diễn ra sớm hơn gần một tháng khiến cơ quan chức năng bị động.
Tại buổi họp báo, ông Cao Tung Sơn cho biết thời gian tới rung tâm sẽ cố gắng nỗ lực để đưa thông tin chính xác và nhanh nhất.
Để bảo vệ sức khỏe, Sở TN-MT, Sở Y tế TPHCM khuyến cáo người dân, nhất là người già và trẻ nhỏ mỗi khi ra ngoài thì nên đeo khẩu trang, trang phục phù hợp chứ không phải đợi khi có hiện tượng mù quang hóa.