Có hay không "kịch bản lừa đảo vĩ đại" về sự nóng lên toàn cầu? Theo tìm hiểu của chúng tôi, quan điểm này bắt nguồn từ nghiên cứu của GS Valentina Zharkova nhưng đã bị hiểu sai!
Cách đây vài ngày, TS Ngô Quang Toàn, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng Khoa học và Công nghệ Biển (IARMST), thành viên Tổng hội Địa chất Việt Nam có đề cập trên một tờ báo:
"Nhiệt độ trên Trái Đất sẽ lạnh dần đi chứ không có chuyện nóng lên. Nhiều nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới bây giờ họ không còn tin vào kịch bản khí hậu toàn cầu đang nóng dần lên nữa. Họ nói thẳng đó là lừa đảo.
Họ nói những câu chuyện như "hiệu ứng nhà kính", khí hậu Trái Đất đang nóng dần lên, băng đang tan chảy, nước biển đang dâng cao... là những kịch bản lừa đảo vĩ đại của loài người cuối thế kỉ 20, đầu thế kỉ 21.
Ở đây, một quan điểm rất đáng lưu ý là công trình nghiên cứu của một nhà khoa học người Nga tên là Valentina Zharkova. Vị giáo sư người Nga này đã cảnh báo: Từ năm 2014, Trái Đất sẽ bước vào một thời kì băng giá mới. Điều đó có nghĩa là Trái Đất sẽ lạnh dần đi, tương ứng với thời kì biển thoái. Chuẩn bị một thời kì băng hà mới"...
Vậy có thực loài người đang là "nạn nhân" của một "kịch bản lừa đảo vĩ đại" và Trái Đất thực ra đang "lạnh đi" chứ không phải "nóng lên", không hề có cái gọi là "biến đổi khí hậu"? Qua tìm hiểu văn bản gốc về công trình của giáo sư Valentina Zharkova, chúng tôi thấy dường như ý của giáo sư người Nga đang bị hiểu sai!
Dưới đây là lược thuật nội dung một bài báo về kết quả nghiên cứu của giáo sư Valentina Zharkova.
Một giáo sư toán học đã công bố mô hình dự báo Mặt Trời với độ chính xác lên đến 97%. Điều này làm kinh ngạc cả thế giới không chỉ vì độ chính xác mà cả hệ quả của nó khi "tiểu băng hà" được dự báo sẽ diễn ra trong thời gian sắp tới.
Vài tháng trước, NASA xuất bản một nghiên cứu cho thấy băng tại Bắc Cực đang phát triển. Họ đưa ra công bố sau khi sử dụng vệ tinh để đo đạc vùng băng tại đây. Những công bố này đã trái ngược với thông tin Bắc Cực đang bị thu nhỏ.
Các tác giả của nghiên cứu đã chỉ ra một số giả thuyết. Trên thực tế, nhiều nhà khoa học cũng đặt câu hỏi về sự tác động của khí nhà kính lên biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, rất nhiều nhà khoa học khác của chính NASA đã phản bác lại nghiên cứu này. Vậy điều gì đang xảy ra?
Khi nhắc đến biến đổi khí hậu, tác động của con người chịu nhiều chỉ trích. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có bỏ sót điều gì trong khi nghiên cứu? Liệu rằng Trái Đất có chu kỳ tự nhiên tác động lên khí hậu? Rõ ràng, Trái Đất của chúng ta còn chịu sự tác động từ bên ngoài, gần nhất chính là Mặt Trời.
Nữ giáo sư Valentina Zharkova. Nguồn ảnh: Staff.science.uu.nl.
Nghiên cứu gần đây nhất đến từ giáo sư toán học Valentina Zharkova, đang làm việc tại Đại học Norhumbria, Anh quốc. Bà đưa ra mô hình dự đoán hoạt động của Mặt Trời với độ chính xác 97% và tuyên bố Trái Đất đang đi đến "tiểu " trong vòng 15 năm tới.
Theo dự đoán, hoạt động của Mặt Trời sẽ giảm xuống rõ rệt trong khoảng từ năm 2030 đến 2040, khoảng 60% hiện nay.
"Maunder Minimum": Do hoạt động của năng lượng Mặt Trời yếu dần dẫn đến một thời kỳ Tiểu băng hà.
Thời kỳ Maunder Minimum gần đây nhất kéo dài trong 70 năm (1645 – 1715).
GS Valentina Zharkova phát biểu: "Chúng tôi dự tính hoạt động này sẽ sinh ra hiện tượng "Tối thiểu Maunder". ... Khi sự lệch pha xảy ra trên Mặt Trời, chúng ta có tối thiểu Mặt Trời. Khi sự lệch pha đạt tối đa, chúng ta có điều kiện tối thiểu Maunder như đã xảy ra 370 năm về trước."
Tuy nhiên, điều này không có liên quan gì đối với tác động của con người lên biến đổi khí hậu. Như vậy, nghiên cứu của GS Valentina Zharkova không nhằm phủ nhận hiện tượng biến đổi khí hậu. Nó chỉ trình bày một yếu tố khác tác động lên biến đổi khí hậu.
Đây chính là một ví dụ điển hình về sai lệch thông tin khoa học. Những sai lệch này khiến nghi vấn về biến đổi khí hậu vẫn còn tồn tại.
Hoạt động của Mặt Trời và tối thiểu Maunder
Như vậy, biến đổi khí hậu là rõ ràng, và nhiều nhà khoa học còn chứng minh "tiểu băng hà" có thể sẽ không diễn ra.
Quay lại vấn đề ảnh hưởng thực tế của suy giảm Mặt Trời và "tiểu băng hà", các nhà khoa học đã tính toán với nhiều điều kiện khác nhau, kể cả hiệu ứng núi lửa phun trào. Câu trả lời là khó có thể xảy ra hiện tượng này.
Những tác động của suy giảm bức xạ Mặt Trời lên khí hậu Trái Đất là nhỏ so với ảnh hưởng của khí nhà kính lên bầu khí quyển. Như đã biết, hàm lượng khí CO2 hiện nay đã cao hơn 40% so với thế kỷ 17. Các tính toán đều cho rằng giảm bức xạ Mặt Trời chỉ tạm thời làm giảm nhiệt độ Trái Đất vài năm mà thôi.
Ở đồ thị bên trên, đường màu đỏ thể hiện mức Mặt Trời hiện tại, màu xanh thể hiện tác động của giảm bức xạ Mặt Trời. Tuy nhiên, tổng thể thì nhiệt độ Trái Đất vẫn tăng chóng mặt.
Những hiện tượng khí hậu bất thường xảy ra hiện nay như tuyết rơi đột ngột, mưa lũ hoặc hạn hán không theo quy luật chỉ mang tính địa phương. Tổng hòa của các hiện tượng thời tiết bất thường đều chỉ về nguyên nhân do biến đổi khí hậu.
GS Valentina Zharkova lên tiếng
Thay vì tổng hợp nhiều nguồn thông tin, một số tờ báo đã vội vàng quy kết về "kỷ băng hà" và khiến nhiễu loạn thông tin.
Giữa cơn bão thông tin, chính GS Valentina Zharkova đã lên tiếng trên tờ USA Today: "Trong thông báo, chúng tôi không hề đề cập vấn đề biến đổi khí hậu. Tôi đoán rằng khi họ nghe về Tối thiểu Maunder, họ tìm kiếm trên Wikipedia hoặc ở đâu đó về nó".
Nhiệt độ của nước biển đang tăng
Như vậy, biến đổi khí hậu vẫn đang diễn ra do hoạt động của con người và "kỷ băng hà thu nhỏ" sẽ khó có khả năng diễn ra. Cho dù Mặt trời có chu kỳ giảm bức xạ, tác động của nó lên khi hậu Trái đất là nhỏ.
* Nguồn tham khảo: The Guardian, USA Today, The Conversation, Collective-evolution, IFLscience