Tin mới

Tranh cãi xung quanh việc phát hiện mộ của Tôn Ngộ Không tại Trung Quốc

Thứ năm, 03/05/2018, 08:19 (GMT+7)

Sự kiện tìm thấy ngôi mộ có bia khắc bốn chữ "Tề Thiên Đại Thánh" đã từng gây chấn động giới khảo cổ Trung Quốc trong suốt một thời gian dài.

Sự kiện tìm thấy ngôi mộ có bia khắc bốn chữ "Tề Thiên Đại Thánh" đã từng gây chấn động giới khảo cổ Trung Quốc trong suốt một thời gian dài.

Nhắc tới câu chuyện về ngôi mộ của Tề Thiên Đại Thánh, nhiều người cho rằng đó là việc hoang đường. Bởi Tôn Ngộ Không vốn chỉ là một nhân vật hư cấu trong "Tây Du Ký", sao có thể có mộ an táng?

Hơn nữa, sau khi phò tá Đường Tăng đi thỉnh kinh trở về, Tôn Ngộ Không đã trở thành Đấu Chiến Thắng Phật. Nhân vật này bản lĩnh cao cường, lại trở thành thần tiên, chắc chắn không thể dễ dàng chết.

Thế nhưng, sự thực là giới khảo cổ Trung Quốc quả thực đã phát hiện ngôi mộ của Tôn Ngộ Không, bên trong thậm chí còn tìm thấy gậy Như Ý, vòng Kim Cô. Vậy thực hư của câu chuyện này là như thế nào?

Phát hiện chấn động về ngôi mộ của anh em Tề Thiên Đại Thánh

Tranh cãi xung quanh việc phát hiện mộ của Tôn Ngộ Không tại Trung Quốc - Ảnh 1.

Toàn cảnh ngôi mộ nghi ngờ là nơi chôn cất Tề Thiên Đại Thánh và em trai.

Ngôi mộ này được phát hiện tại phía tây bắc đỉnh núi Bảo Sơn, thuộc huyện Thuận Xương, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc). Tại đây, giới khảo cổ đã từng phát hiện ra hai ngôi mộ nằm với tổng diện tích khoảng 18 mét vuông, mộ có chiều rộng 2,9 mét, sâu khoảng 1,3 mét.

Một ngôi mộ có bia khắc bốn chữ "Tề Thiên Đại Thánh". Ngôi mộ còn lại khắc tên "Thông Thiên Đại Thánh".

Hậu thế đều biết Tề Thiên Đại Thánh chính là Tôn Ngộ Không trong truyền thuyết. Nhưng còn Thông Thiên Đại Thánh là nhân vật nào? Vì sao lại sở hữu danh hiệu giống Tôn Ngộ Không tới vậy?

Tranh cãi xung quanh việc phát hiện mộ của Tôn Ngộ Không tại Trung Quốc - Ảnh 2.

Hai tấm bia khắc danh hiệu "Tề Thiên Đại Thánh" và "Thông Thiên Đại Thánh" được tìm thấy trong mộ.

Sau khi tiến hành khai quật hai ngôi mộ và tiến hành giám định, các nhà khảo cổ đã nhận định rằng di tích này có niên đại từ thời nhà Nguyên. Hơn nữa quá trình mai táng rất chỉn chu, không có dấu vết bị người đời sau làm giả.

Tuy nhiên, điều kỳ lạ nằm ở chỗ, tác phẩm Tây Du Ký được Ngô Thừa Ân viết vào thời nhà Minh. Vậy làm thế nào mà triều đại trước đó là nhà Nguyên đã xuất hiện mộ táng của nhân vật này?

Trải qua quá trình dày công nghiên cứu tài liệu, giới chuyên gia đã phát hiện ra rằng, dưới thời nhà Nguyên từng có một văn nhân tên Dương Cảnh Hiền từng sáng tác bộ hí kịch cũng có tên là Tây Du Ký.

Như vậy, Ngô Thừa Ân sau này rất có thể đã lấy cảm hứng từ bộ hí kịch ấy để sáng tạo nên tác phẩm của mình.

Trong Tây Du Ký của Dương Cảnh Hiền, Tôn Ngộ Không còn có một em trai. Nhân vật này chính là Thông Thiên Đại Thánh.

Những tranh cãi xoay quanh câu chuyện mộ thật - mộ giả

Tranh cãi xung quanh việc phát hiện mộ của Tôn Ngộ Không tại Trung Quốc - Ảnh 3.

Cho tới ngày nay, ngôi mộ được phát hiện có phải của Tôn Ngộ Không thật hay không vẫn là vấn đề tồn tại nhiều giả thiết. (Ảnh minh họa).

Mặc dù đã xác nhận được danh tính của nhân vật Thông Thiên Đại Thánh, nhưng sự thực về hai ngôi mộ này vẫn là một vấn đề khảo cổ gây nhiều tranh cãi.

Bởi lẽ, theo nhiều nguồn thông tin, bên trong hai ngôi mộ ấy chỉ có một vài cổ vật có niên đại từ thời nhà Nguyên. Trong số đó, các nhà khảo cổ có phát hiện một vật mang hình dáng giống gậy Như Ý và vòng Kim Cô trong truyền thuyết.

Nhưng dù vậy, nhiều người vẫn tin rằng Tề Thiên Đại Thánh hay Thông Thiên Đại Thánh thực chất vẫn là một sản phẩm thuộc về trí tưởng tượng phong phú của cổ nhân.

Do đó, nhiều chuyên gia tin rằng, hai ngôi mộ này được xây cất bởi một người ái mộ tác phẩm Tây Du Ký. Thậm chí, người này còn chu đáo tới mức chuẩn bị những đồ an táng giống như đồ vật trong nguyên tác.

Chưa dừng lại ở đó, một giả thuyết khác còn cho rằng, Tề Thiên Đại Thánh là nhân vật có thật. Nguyên mẫu của nhân vật này chính là một thủy quái ở sông Hoài có tên Vô Chi Kỳ.  Nhân vật này được miêu tả "hình dáng giống vượn", "khỏe hơn chín voi".

Trong khi đó, Ngô Thừa Ân vốn là người Hoài An (Giang Tô), hẳn từ nhỏ đã rất quen thuộc với giai thoại về nhân vật này, thậm chí còn mượn không ít truyền thuyết về Vô Chi Kỳ để sáng tạo nên Tôn Ngộ Không.

Bởi vậy, hậu thế sau này vẫn có không ít người vì ái mộ nhân vật này mà tin rằng, đó rất có thể là ngôi mộ chôn cất nguyên hình của Tề Thiên Đại Thánh.

Theo Thời đại/Trí thức trẻ

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news