Tin mới

Kịch bản nào khi Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế

Thứ bảy, 07/06/2014, 11:37 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) “Chắc chắn Trung Quốc sẽ có hành động cố tình phớt lờ tương tự nếu Việt Nam chính thức tiến hành khởi kiện họ về vụ hạ đặt trái phép giàn khoan trên vùng biển thuộc chủ quyền nước ta”, Thạc sĩ luật Hoàng Việt – chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông – nhận định.>> “Đã chín muồi để khởi kiện Trung Quốc”>> Trung Quốc khăng khăng phớt lờ phán quyết của tòa án quốc tế>> “Nếu Trung Quốc đem chiến tranh đến thì ta buộc phải bảo vệ đất nước”

(Tinmoi.vn) “Chắc chắn Trung Quốc sẽ có hành động cố tình phớt lờ tương tự nếu Việt Nam chính thức tiến hành khởi kiện họ về vụ hạ đặt trái phép giàn khoan trên vùng biển thuộc chủ quyền nước ta”, Thạc sĩ luật Hoàng Việt – chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông – nhận định.

 

Như thông tin đã đưa, mới đây, Tòa án trọng tài thường trực tại The Hague đã ra hạn cho Bắc Kinh tới ngày 15/12 phải trả lời đơn kiện quốc tế đầu tiên từ Philippines chống lại Trung Quốc về các tranh chấp trên biển.

Tuy nhiên, ngay từ đầu, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ không tham gia vào vụ tố tụng và chỉ muốn dùng cách tiếp cận song phương để giải quyết xung đột.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ luật Hoàng Việt – chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông – về những vấn đề xung quanh động thái này của Trung Quốc.

- Xin ông cho biết cụ thể hơn về diễn biến dẫn đến động thái Trung Quốc tuyên bố không tham gia vào vụ tố tụng, cố tình phớt lờ yêu cầu của cơ quan luật pháp quốc tế?

- Tháng 1/2013, Philippines đã kiện Trung Quốc lên một tòa án là Hội đồng trọng tài quốc tế. Hội đồng trọng tài này đã cho Philippines một năm để chuẩn bị hồ sơ pháp lý cho vụ kiện. Ngày 31/3/2014, Philippines đã gửi toàn bộ hồ sơ gồm khoảng 4.000 trang cho Hội đồng trọng tài quốc tế.

Theo quy định của luật pháp quốc tế nói chung, trong đó có Hội đồng trọng tài này, các bên đều có quyền bảo vệ quan điểm và lập luận của mình. Trên tinh thần đó, Hội đồng trọng tài quốc tế căn cứ theo các quy định của pháp luật thiết lập Hội đồng trọng tài nằm trong Tòa án thường trực trọng tài quốc tế.

“Trung Quốc cũng sẽ chơi trò phớt lờ nếu bị Việt Nam kiện”

Thạc sỹ Hoàng Việt: "Trung Quốc vẫn luôn phản đối, không muốn đưa các vấn đề tranh chấp chủ quyền với các nước khác ra một bên thứ ba nào cả".

Tòa này đã yêu cầu và trong ngày 31/3, Philippines đã gửi một bản lập luận để bảo vệ quan điểm của mình. Theo nguyên tắc, Trung Quốc sẽ được gửi một bản phản biện lại các lập luận của Philippines. Nếu Trung Quốc gửi bản lập luận này thì Philippines lại tiếp tục gửi một bản lập luận khác để phản bác lại quan điểm của phía Trung Quốc. Các bên cứ tiếp tục gửi các bản lập luận của mình cho đến khi sự việc được phân xử. Quy trình là như vậy.

Nhưng trong trường hợp này, Trung Quốc đã không chấp nhận khi họ tuyên bố trong năm 2013 rằng họ không chấp nhận phiên tòa. Vậy nên, cho dù Hội đồng trọng tài quốc tế cho Trung Quốc thời hạn đến ngày 15/12/2014 để gửi bản lập luận của mình nhưng Trung Quốc đã trả lời dứt khoát là họ không tham gia, không gửi bản lập luận như được yêu cầu.

Từ trước đến nay, Trung Quốc vẫn luôn phản đối, không muốn đưa các vấn đề tranh chấp chủ quyền với các nước khác ra một bên thứ ba nào cả. Họ luôn muốn giải quyết song phương với các quốc gia có tranh chấp.

- Nếu Trung Quốc vẫn nhất quyết không tham gia, cố tình phớt lờ thì vụ kiện này sẽ ra sao, thưa ông?

- Cho dù Trung Quốc kiên quyết không gửi bản lập luận nhưng Hội đồng trọng tài quốc tế vẫn sẽ thiết lập phiên tòa và đưa ra phán quyết là có thẩm quyền hay không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa hai nước Philippines – Trung Quốc, và nếu giải quyết thì sẽ giải quyết như thế nào.

Về lý thuyết, phán quyết của tòa sẽ có giá trị chung thẩm với tất cả các bên tranh chấp. Nhưng có một vấn đề là các cơ quan luật pháp, tòa án quốc tế lại không buộc được các quốc gia phải thi hành án như các tòa án quốc nội. Vì vậy, cho dù Hội đồng trọng tài quốc tế có ra phán quyết Trung Quốc thua thì với quan điểm và cách hành xử của Trung Quốc thì có lẽ họ cũng sẽ không thực hiện phán quyết của tòa.

Tuy nhiên, phán quyết này (nếu có) sẽ là đòn mạnh giáng vào tính chính đáng của những yêu sách mà Trung Quốc tự đưa ra trong những tranh chấp chủ quyền. Dù Trung Quốc cố tình phớt lờ phán quyết của tòa nhưng nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của họ.

“Trung Quốc cũng sẽ chơi trò phớt lờ nếu bị Việt Nam kiện”

"Chắc chắn Trung Quốc cũng sẽ có hành động cố tình phớt lờ tương tự nếu Việt Nam chính thức tiến hành khởi kiện họ về vụ hạ đặt trái phép giàn khoan".

- Việc quốc gia bị khởi kiện ra các cơ quan luật pháp quốc tế nhất quyết từ chối tham gia đã từng xảy ra trước đây chưa, thưa ông?

- Cũng đã có nhiều vụ việc tương tự xảy ra trước đây, khi mà Hội đồng trọng tài quốc tế thiết lập phiên tòa mà không cần sự đồng ý của bên bị khởi kiện.

Tuy nhiên đó là về thủ tục tố tụng, còn nội dung vụ kiện thì chưa có vụ nào trước đây giống như vụ việc Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề chủ quyền như lần này.

- Ông nhận định như thế nào về động thái cố tình phớt lờ các yêu cầu, phán quyết của cơ quan luật pháp quốc tế?

- Như chúng ta đã biết, Trung Quốc luôn muốn sửa lại luật quốc tế, muốn diễn giải luật quốc tế theo cách của họ để thiết lập luật chơi mới, trật tự mới, trong đó họ là bá chủ như họ đã khẳng định.

Và để trở thành bá chủ thì họ phải đi ra phía biển, trong đó có Biển Đông. Vì vậy, mục tiêu của họ là phải chiếm được Biển Đông. Hành động phớt lờ các yêu cầu của Hội đồng trọng tài quốc tế nằm trong chuỗi nhưng toan tính, chiến lược dài hạn, đã được tính toán kĩ của Trung Quốc.

- Nhiều ý kiến lo ngại rằng Trung Quốc cũng sẽ “chơi trò phớt lờ” nếu bị Việt Nam kiện. Ông nghĩ sao về điều này?

- Theo tôi, chắc chắn Trung Quốc cũng sẽ có hành động cố tình phớt lờ tương tự nếu Việt Nam chính thức tiến hành khởi kiện họ về vụ hạ đặt trái phép giàn khoan trên vùng biển thuộc chủ quyền nước ta ra cơ quan luật pháp quốc tế.

Vì vậy, các nhà lãnh đạo, cơ quan chức năng Việt Nam sẽ phải tính toán, cân nhắc, chuẩn bị rất kĩ nếu quyết định khởi kiện Trung Quốc. Cá nhân tôi thì cho rằng dùng công cụ pháp lý để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc là phương án tốt, nhưng đó cũng chỉ là một trong các phương án để đấu tranh bảo vệ chủ quyền thôi, không thể chỉ trông chờ vào vụ kiện này (nếu có).

Duy Minh (thực hiện)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news