Sau khi rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục có những hành động leo thang mới minh chứng Trung Quốc vẫn giữ nguyên dã tâm độc chiếm Biển Đông.
Những bước leo thang mới của Trung Quốc
Nhận lời mời của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, từ ngày 26/8 đến 27/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đã sang thăm Trung Quốc với danh nghĩa là Đặc phái viên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trong chuyến thăm, sáng 27/8, ông Lê Hồng Anh đã hội đàm với Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư T.Ư Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Vân Sơn. Hai bên đã trao đổi chân thành, thẳng thắn về một số vấn đề trong quan hệ hai Đảng, hai nước và nhất trí về 3 nội dung, gồm:
Một là, lãnh đạo hai Đảng, hai nước Việt Nam - Trung Quốc tăng cường hơn nữa việc chỉ đạo trực tiếp đối với quan hệ hai Đảng, hai nước, thúc đẩy quan hệ Việt - Trung không ngừng phát triển lành mạnh, ổn định.
Hai là, hai bên tăng cường giao lưu giữa hai Đảng, hai nước; khôi phục và tăng cường hợp tác giữa hai bên trên mọi lĩnh vực như chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại, thực thi pháp luật, nhân văn...
Ba là, hai bên tuân thủ các nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nghiêm túc thực hiện “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”, sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam - Trung Quốc; tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, đồng thời tích cực nghiên cứu và bàn bạc các giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên, kể cả vấn đề hợp tác cùng phát triển; kiểm soát tốt những bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; duy trì đại cục quan hệ Việt - Trung và hòa bình, ổn định trên biển Đông.
Trung Quốc xây dựng tại khu vực đảo Gạc Ma. Ảnh: Báo Đất Việt
Thế nhưng, với bản chất cố hữu “nói một đằng, làm một nẻo”, khi ba nội dung tăng cường hợp tác trên "chưa ráo mực", Trung Quốc đã có một loạt hành động xâm phạm chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Cụ thể, đúng ngày Lễ quốc khánh (2/9), truyền thông Trung Quốc rầm rộ đưa tin Bắc Kinh đang mở tuyến du lịch theo lộ trình mới tới quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông và họ đã khởi hành chuyến đầu tiên từ Tam Á, thành phố phía nam đảo Hải Nam, tới quần đảo Hoàng Sa. Sau đó, Công ty vận tải biển Hải Hiệp, Hải Nam, Trung Quốc tiếp tục tuyên bố trong tháng 10/2014,họ sẽ triển khai 4 tour du lịch tới quần đảo Hoàng Sa, nhiều hơn một tour so với tháng 09/2014.
Tiếp đó, ngày 11/9, trên trang web của Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) ngày 11/9 đã đăng thông báo mời các công ty dầu khí nước ngoài tham gia đấu thầu 33 lô dầu khí trong năm 2014 trên diện tích biển rộng hơn 126.000 km2 , trong đó có 25 lô tại Biển Đông.
Không dừng lại ở đó, Trung Quốc còn đang tiến hành xây đảo nhân tạo tại Gạc Ma thuộc khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã lên tiếng chính thức phản đối hành động này và khẳng định đây là việc làm xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC)...
"Trung Quốc xây đảo Gạc Ma còn nguy hiểm hơn đặt giàn khoan"
Các học giả trong nước nhận định, những hành động trên tiếp tục chứng minh ý đồ bành trướng và chiếm lĩnh khu vực hai quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam và sự leo thang không ngừng của Trung Quốc trên Biển Đông.
Theo PGS. TS Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch Hội đồng Viện nghiên cứu khoa học Biển và Hải đảo, việc xây đảo nhân tạo ở Gạc Ma là bước đi leo thang còn nguy hiểm hơn cả việc đặt hạ giàn khoan Hải Dương 981 bởi Trung Quốc muốn biến đảo thành tàu sân bay vĩnh viễn.
“Bãi Gạc Ma có vị trí địa chiến lược cực kỳ quan trọng vì nó nằm ở trung tâm quần đảo Trường Sa và nó án ngữ con đường hàng hải quan trọng, đặc biệt là cả với tàu quân sự, tàu ngầm hạt nhân đi trên Biển Đông.
Quan trọng hơn nữa, nếu bãi Gạc Ma biến thành đảo với địa chính trị, địa quân sự như đã nêu thì Trung Quốc có thể kiểm soát toàn bộ Biển Đông, eo biển Malacca và trở thành lô cốt tiền tiêu đe dọa trực tiếp đến an ninh trên biển của Việt Nam”, TS Diến phân tích trên Báo Đất Việt.
Chung nhận định, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh (Nguyên Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng) cho rằng, Trung Quốc đang có những hoạt động xây dựng các đảo nhân tạo nhằm làm thay đổi hiện trạng khu vực bãi Gạc Ma nằm trong chiến lược lâu dài là tuyên bố chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Trung Quốc. Đồng thời, đặt nền móng cho các bước đi tiếp theo, cực kỳ nguy hiểm là hiện thực hóa “Giấc mơ Trung Hoa” và yêu sách đường lưỡi bò như nước này vẫn thường rêu rao.
PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi (Giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) cũng cho rằng việc thay đổi hiện trạng ở Biển Đông sẽ không chỉ giúp Trung Quốc củng cố các yêu sách chủ quyền trên biển, mà còn tạo ưu thế quân sự chiến lược cho Bắc Kinh trong các cuộc chiến giành quyền kiểm soát trái phép Biển Đông, thay đổi “cục diện cuộc chơi” và đẩy an ninh các nước Đông Nam Á vào tình thế nguy hiểm.
"Trung Quốc xây đảo Gạc Ma còn nguy hiểm hơn đặt giàn khoan"
“Xây dựng đảo nổi từ những bãi cạn san hô để xây dựng các căn cứ quân sự “nổi và chìm” ở đây, Trung Quốc đang vi phạm toàn diện và nghiêm trọng Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), vi phạm Công ước Liên Hiệp quốc về Luật biển năm 1982. Tiếp tục đi ngược lại các cam kết cấp cao của phía Trung Quốc với các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế. Dưới danh nghĩa đây là một phần của thành phố Tam Sa mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố phi lý từ năm 2012, họ sẽ tiếp tục đưa ra những tuyên bố “nhập nhằng đánh lận con đen”.
Hành động này tiếp tục là bằng chứng thực tế không thể chối cãi về việc Trung Quốc đang sử dụng “tiếp cận dân sự để thực hiện mục tiêu quân sự lâu dài trên Biển Đông” như đã làm với bãi cạn Hoàng Nham năm 2012 (Philipin tuyên bố chủ quyền), bãi James năm 2013 (Malaysia tuyên bố chủ quyền) và hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tháng 5-2014...”, TS Hồi nói.
Cũng theo TS Hồi sau “sự kiện Gạc Ma lần 2” này (lần 1 chiếm Gạc Ma của Việt Nam năm 1988), Trung Quốc sẽ mở rộng vùng kiểm soát trên biển rộng hơn. Những bãi cạn ở khu vực khác mà Trung Quốc đang chiếm giữ ở quần đảo Trường Sa cũng sẽ có “số phận” tương tự như Gạc Ma. Trước khi xây dựng ở Gạc Ma lần này họ đã lập bán kính kiểm soát quanh Gạc Ma là 3 hải lý, trong thời gian gần đây mở rộng ra 7 hải lý. Họ có thể tiếp có những tuyên bố đơn phương mở rộng các vùng biển kiểm soát kiểu như vậy đối với các vùng bãi cạn được xây dựng trong thời gian tới, tạo thế bao vây các nước đang có tuyên bố chủ quyền và đang chiếm giữ các đảo, đá và bãi cạn trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Khi củng cố xong các căn cứ đủ mạnh ở Trường Sa, họ dám đòi quyền thực hiện “quyền tài phán quốc gia” trong vùng đặc quyền kinh tế để kiểm soát tất cả các hoạt động qua lại khu vực giữa Biển Đông. Thậm chí, không ngoại trừ khả năng Trung Quốc sẽ công bố vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.
"Chúng ta phải đặc biệt lưu ý, Trung Quốc không chỉ xây dựng các công trình quân sự nổi trên đảo nhân tạo mà họ sẽ đào cả công trình hầm ngầm dưới đáy các bãi cạn này để trên thì có sân bay, còn ở dưới có thể có tàu ngầm. Đây là âm mưu rất thâm độc, củng cố sức mạnh của Trung Quốc trên Biển Đông và tiến tới khống chế toàn bộ tuyến hàng hải quốc tế", TS Hồi nhấn mạnh.
Theo H.Minh (tổng hợp)/Người đưa tin