Trong buổi tập dượt cho lễ duyệt binh kỷ niệm Thế chiến II kết thúc, quân đội Trung Quốc đã lần đầu giới thiệu tên lửa DF-26 mà Bắc Kinh tự tin rằng có thể san phẳng căn cứ quân sự Mỹ tại đảo Guam.
Hãng Sputnik của Nga ngày 31/8 đưa tin, trong cuộc duyệt binh được tổ chức tại Bắc Kinh ngày 3/9 tới, Trung Quốc sẽ lần đầu cho ra mắt các loại tên lửa mới mà quân đội nước này nghiên cứu, chế tạo.
Theo đó, các tên lửa đạn đạo tầm ngắn Đông Phong DF15-B và tầm trung DF-16, bộ phận đầu đạn của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-5B, các tên lửa hành trình tấn công DF-31A và DF-10.
Tuy nhiên, sự xuất hiện nổi bật nhất thuộc về tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26, được mệnh danh "sát thủ đảo Guam". Người ta đã bao bọc bên ngoài nhằm che giấu thông tin về tên lửa. Dựa vào hình ảnh trên mạng xã hội Trung Quốc, tên lửa gồm 3 tầng, phần đầu của tên lửa có thể tích hợp hệ thống dẫn đường.
Tên lửa DF-26 mà Trung Quốc tự tin rằng sẽ san bằng các căn cứ quân sự của Mỹ ở đảo Guam. |
DF-26 có thể phóng từ một bệ phóng di động trên bộ, sử dụng nhiên liệu rắn. Đây là tên lửa do Tập đoàn khoa học và công nghệ vũ trụ Trung Quốc phát triển. Nó có phạm vi hoạt động từ 3.500 - 4.000 km. Do đó, các căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Guam và phần cực nam của quần đảo Mariana hoàn toàn nằm trong tầm bắn của tên lửa.
Mục tiêu hiện tại của DF-26 là các căn cứ quân sự, nhưng trong tương lai rất có thể DF-26 sẽ được trang bị các đầu tự dẫn chống hạm hoặc được dùng để làm phương tiện triển khai các vũ khí siêu vượt âm tầm xa, nhắm tới các mục tiêu ở Hawai hay Alaska.
Hàng loạt vũ khí và khí tài quân sự tiên tiến sẽ xuất hiện tại lễ duyệt binh lớn nhất lịch sử Trung Quốc. |
Theo nhận định của các chuyên gia, việc khoe hàng loạt vũ khí tiên tiến trong đợt duyệt binh này của Trung Quốc là nhằm thể hiện sức mạnh quân sự đối với các nước láng giềng và Mỹ.
Trung Quốc tổ chức lễ duyệt binh kỷ niệm Thế chiến II kết thúc vào ngày 3/9. Đây được đánh giá là cuộc duyệt binh lớn nhất trong lịch sử nước này.
Lê Huyền (tổng hợp)