Hàn Quốc đã khởi động lại chương trình tuyên truyền bằng loa phóng thanh qua biên giới vào ngày 8/1 để trả đũa vụ thử hạt nhân mới đây của Triều Tiên trong khi áp lực cần can thiệp vào vụ việc với Trung Quốc ngày một tăng lên.
Hàn Quốc khởi động lại chương trình tuyên truyền chống Triều Tiên qua loa phóng thanh. Ảnh: AP |
Chương trình phát thanh truyền đi từ các loa phóng thanh ở 11 địa điểm dọc biên giới được tuần tra nghiêm ngặt, ra rả phát những bài chỉ trích chế độ Bình Nhưỡng cũng như nhạc K-pop. Sau đó, Triều Tiên đã đáp trả bằng những chương trình phát thanh của riêng mình.
Lần cuối cùng Hàn Quốc triển khai các loa phóng thanh là để trả đũa cho vụ nổ mìn hồi tháng 8 khiến 2 binh sĩ nước này bị thương và dẫn tới một cuộc đọ pháo ở biên giới. Âm thanh có thể lan sâu vào Triều Tiên tới 6 dặm vào ban ngày và vọng xa gấp 2 lần vào ban đêm, hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đưa tin.
Vụ thử hạt nhân hôm 6/1 đã khiến Trung Quốc - người hậu thuẫn về kinh tế, ngoại giao chính của Triều Tiên - nổi giận. Mặc dù quan hệ giữa 2 đồng minh thời Chiến tranh Lạnh đã nhạt nhòa đi trong những năm gần đây nhưng Bắc Kinh vẫn được coi là chìa khóa để gây áp lực lên chính quyền Kim Jong-un.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã kêu gọi Triều Tiên tuân thủ cam kết phi hạt nhân hóa của mình và tránh hành động khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng áp lực từ riêng Bắc Kinh không thể giải quyết vấn đề.
Triều Tiên đã đồng ý chấm dứt chương trình hạt nhân của mình thông qua các cuộc đàm phán quốc tế trong năm 2005. Nhưng sau đó, họ lại đi ngược lại thỏa thuận này. Trong một cuộc điện đàm với người đồng cấp Hàn Quốc hôm 8/1, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã nói rằng các cuộc đàm phán về vấn đề này nên được tiếp tục càng sớm càng tốt.
Triều Tiên nói rằng vụ thử hôm 6/1 là một thử bom nhiệt hạch dưới lòng đất. Đây là vũ khí có sức hủy diệt còn lớn hơn cả bom nguyên tử mà nước này từng phát triển trước đó. Mỹ đã đưa ra nghi ngờ về tuyên bố này song các quan chức nước này vẫn đang điều tra.
Cơ quan an toàn hạt nhân Hàn Quốc cho biết họ đã tìm thấy một lượng rất nhỏ khí xenon trong một mẫu thử tìm thấy ngoài khơi bờ biển nước này nhưng vẫn cần phân tích và có nhiều mẫu thử hơn nữa để xác định xem liệu khí này có phải từ một vụ thử hạt nhân hay không. Sự xuất hiện của khí xenon không thể đi đến kết luận đây là một thiết bị nhiệt hạch hay chỉ là một vụ nổ phân hạch đơn giản.
Sóng địa chấn do vụ nổ hôm 6/1 gây ra gần như giống hệt với những gì xảy ra sau vụ thử hạt nhân của Triều Tiên vào năm 2013, Jeffrey Park, một nhfa địa chấn học tại ĐH Yale viết trên website Bulletin of the Atomic Scientists . Điều này càng làm tăng thêm hoài nghi về tuyên bố thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên.
Bảo Linh (theo Reuters)