Đối mặt với vấn đề dân số già, Trung quốc đã cho phép các cặp vợ chồng được phép sinh hai con, đồng nghĩa với việc chấm dứt hơn 30 năm của chế độ một con tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê, Trung Quốc hiện có đến 13 triệu “công dân đen” - đây là những người không có hộ khẩu, không có quốc tịch. Trung Quốc sẽ giải quyết vấn đề này ra sao khi nới lỏng Chính sách một con. Đây chính là nhiệm vụ cấp bách đang cần được giải quyết.
Tạp chí “World” dẫn số liệu của cuộc điều tra dân số lần thứ 6 năm 2010, Trung Quốc hiện có hơn 13 triệu “công dân đen”, chiếm 1% tổng dân số của đất nước có dân số đông nhất thế giới này. Trong đó, đa số đều là những người bị sinh vượt kế hoạch nhưng bố mẹ không thể nộp phí trợ cấp xã hội, nên không được đăng kí sổ hộ khẩu và quốc tịch. Ủy viên, chuyên gia của Ủy ban kế hoạch quốc gia cho biết: “Nếu gộp việc kế hoạch hóa gia đình và vấn đề hộ khẩu lại, vấn đề này sẽ không có cách giải quyết”.
Ngày 28/10, phiên họp của Hội nghị Trung ương 5 khóa 18 của Trung Quốc đã đưa ra một quyết định quan trọng: thực hiện toàn diện chính sách các cặp vợ chồng có thể sinh hai con, tích cực triển khai hành động giải quyết vấn đề dân số già. Đây là kế hoạch điều chỉnh chính sách kế hoạch hóa gia đình tại phiên họp của Hội nghị Trung ương 3 khóa 18 năm 2013. Đây cũng là dấu chấm hết cho kế hoạch sinh một con mà Trung Quốc thực hiện trong hàng chục năm qua. Vậy, “công dân đen”- những người không được nhà nước công nhân sẽ có thể “tái sinh”?
"Công dân đen" liệu có được "tái sinh"?Nguồn: Duowei |
Thực ra, những “công dân đen” này vô tội vì họ không được chọn lựa việc sinh ra của mình. Bố mẹ đều là công dân hợp pháp, được nhà nước công nhận. “Công dân đen” này cũng được sinh ra và lớn lên tại Trung Quốc, nhưng phải sống chui lủi trong bóng tối như những người di cư bất hợp pháp.
“Công ước về địa vị của những người không có quốc tịch” quốc tế yêu cầu các quốc gia tham gia công ước đảm bảo sự đãi ngộ cho người không có quốc tịch cư trú hợp pháp trên lãnh thổ giống với những người nước ngoài khác trên mọi lĩnh vực, như quyền lợi được nhận khi công tác, hoặc sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thủ công hay trong việc thành lập công ty. Vậy là, địa vị trên xã hội của những “công dân đen” này còn thấp hơn “tội phạm”. Vì tội phạm còn có quyền được lao động, sau đó được hưởng ân xá.
Cuộc sống trong bóng tối của “công dân đen”
Phía sau mỗi “công dân đen” đều có những câu chuyện khiến người ta đau lòng, lấy ví dụ như Lý Tuyết - cô gái 20 tuổi sinh ra tại Bắc Kinh. Sự ra đời của cô vốn là kết quả của việc sinh đẻ không hợp pháp của bố mẹ.
Cô không được đi học, không được đi máy bay, không thể kiếm việc làm, cũng không thể kết hôn sinh con. Muốn đi khám phải dùng sổ khám của chị gái, muốn mượn sách cũng dùng thẻ mượn sách của chị gái, cả đời cô chỉ có thể sống làm cái bóng của chị mình.
Sau 2 năm được gả đến Giang Tô, Tăng Thụy mới có thể có hộ khẩu. Trước đó, gia đình không có tiền nộp phạt sinh. Năm ngoái, họ nộp phạt 3000 tệ (khoảng 11 triệu đồng) theo yêu cầu cán bộ thôn mới có thể làm được hộ khẩu cho cô.
Tuy nhiên, không phải tất cả “công dân đen” đều có thể “làm sạch” thân phận của mình. Rất nhiều “công dân đen” tiếp tục có thai tạo ra “công dân đen thế hệ 2”, cứ như vậy trở thành sự “hối tiếc” trong lịch sử.
Bán con, bán thân và chuộc thân
Tháng 10 năm 2013, một cặp vợ chồng tại Thượng Hải sinh vượt kế hoạch, đã đem “tặng” con mình cho một người bạn quen trên mạng gây xôn xao dư luận. Tuy đứa trẻ đã được quay trở lại với bố mẹ, nhưng thân phận của đứa trẻ này vẫn không rõ ràng. Thực ra, những sự việc như bán con, tặng con trên mạng hay ngoài đời tại Trung Quốc không phải chỉ có một hai vụ. Ngày 1/9/2009, tiểu Mẫn - một cô bé 14 tuổi tại Thiểm Tây đã tự sát bằng thuốc trừ sâu vì không thể nhập học do không có hộ khẩu. Tháng 7 năm 2011, một người đàn ông họ Cao tại Thanh Đảo đã đồng ý bán thân trong 5 năm với giá 150 nghìn tệ vì không có tiền làm sổ hộ khẩu cho con. Tháng 7 năm 2013, một cô bé 16 tuổi tại Tứ Xuyên đã tự tử do không có sổ hộ khẩu nên không được thi tốt nghiệp trung học. Tháng 8 năm 2013, một cô gái tuyên bố muốn tự sát vì không có sổ hộ khẩu sau 13 năm được nhận nuôi. Tháng 2 năm 2012, ông Tống đã bán con trên đường vì con không có sổ hộ khẩu tại Nam Kinh. Trên đây chỉ là một số ví dụ nhỏ trong những sự việc được truyền thông đưa tin.
Trung Quốc chính thức nới lỏng chính sách một con đã thực hiện được hơn 30 năm. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn chính là, chính sách mới liệu có thể đưa xã hội trở lại quĩ đạo ban đầu, phục hồi cuộc sống bình thường của “công dân đen”. Liệu có thể sinh sống và làm việc như một công dân Trung Quốc và được hưởng những quyền lợi hợp pháp như một công dân trung Quốc.
Nghiêm Thu. (Theo Duowei)