Thỏa thuận mới đã đưa Tổng thống Mỹ Donald Trump đến được bến bờ của mong ước. Ông cần dấu ấn cầm quyền riêng thì giờ cũng đã có.
Trước khi thời hạn đề ra kết thúc, Mỹ và Canada đã đạt được sự nhất trí cần thiết cho thoả thuận về vừa thương mại tự do song phương lại vừa tương thích với thoả thuận tương tự mà Mỹ và Mexico đã có được với nhau hồi đầu tháng 8 vừa qua.
Cả hai gộp lại tạo thành thoả thuận ba bên mới về hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại với tên gọi là United States Mexico Canada Agreement - Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada, viết tắt là USMCA. Sau khi được ký kết chính thức và được phê chuẩn ở cả 3 nước, USMCA sẽ thay thế thoả thuận về khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA) có hiệu lực từ năm 1994.
Mới nhưng không nới cũ
Giới kinh tế, tài chính và thương mại ở bên ngoài khu vực Bắc Mỹ thở phào nhẹ nhõm vì Bắc Mỹ sẽ vẫn tiếp tục là không gian kinh tế chung và là thị trường chung, có khác so với NAFTA nhưng không bị tan ra thành ba thị trường quốc gia riêng rẽ.
Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer mỉm cười trong một cuộc họp báo chung về việc kết thúc vòng đàm phán NAFTA lần thứ 7 tại Mexico City, Mexico ngày 5/3/2018. Ảnh: Reuters
SMCA đưa Tổng thống Mỹ Donald đến được bến bờ của mong ước. Ông Trump vốn coi NAFTA là "thoả thuận tồi tệ nhất từ trước tới nay đối với nước Mỹ" thì nay tán dương USMCA là "thoả thuận tốt nhất trong mọi thời đại lịch sử của nước Mỹ".
Ông Trump chủ trương xoá sổ NAFTA thì giờ đã đạt được mục tiêu ấy bằng cách có thoả thuận mới khác thay thế. Ông Trump chủ trương bảo hộ thương mại và chống tự do hoá thương mại thì trong tên gọi chính thức của thoả thuận mới không có cụm từ "thương mại tự do" nữa.
Ông Trump muốn ép buộc các đối tác phải luỵ theo mình thì Mexico và Canada cũng đã chịu. Ông Trump cần dấu ấn cầm quyền riêng thì giờ cũng đã có.
Ông sẽ dùng USMCA làm bằng chứng về tính đúng đắn và thành công của Chính sách gây xung khắc thương mại và gia tăng áp lực tối đa với các đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ cũng như biểu hiện cho việc thực hiện khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết".
Cho nên có thể thấy USMCA sẽ khích lệ ông Trump còn găng hơn nữa và quyết liệt hơn nữa trong xung khắc thương mại hiện tại với Trung Quốc, cứng rắn và không dễ khoan nhượng với Nhật Bản trong đàm phán về thoả thuận hợp tác thương mại song phương mà hai bên vừa nhất trí tiến hành cũng như sẽ tương tự như vậy với EU và các đối tác kinh tế, thương mại của Mỹ trên thế giới.
Ông Trump sẽ không ngại ngần gì mà không khai thác triệt để ý nghĩa của USMCA phục vụ cho cuộc vận động bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ.
Thoả thuận mới có tên gọi mới, nhưng nội dung của nó không hẳn hoàn toàn mới cho dù ở đây cũng không phải có chuyện tạo bình mới đựng rượu cũ mà trong thực chất là có mới nhưng không hẳn hoàn toàn nới cũ.
Đa số những nội dung cơ bản của NAFTA vẫn hiện diện trong USMCA.
Đa phần trong số những nội dung mới chẳng khác gì "sao y bản chính" từ thoả thuận mà Mỹ đã đàm phán và ký kết với 11 đối tác về Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà ông Trump đã lật ngược vì cho rằng cũng thuộc diện những thoả thuận "tồi tệ nhất đối với nước Mỹ".
Trong đó có đặc biệt là những quy định về bảo vệ sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, đánh thuế những chương trình phần mềm và sản phẩm của công nghệ số....
Chỉ có những nội dung liên quan đến ô tô và mức lương tối thiểu là hoàn toàn mới. Theo đó, ô tô từ Canada và Mexico muốn được xuất khẩu miễn thuế vào Mỹ thì 75% giá trị phải được chế tạo ở Bắc Mỹ chứ không còn chỉ có 62,5% như trong NAFTA và phải được chế tạo trong những xí nghiệp có mức lương lao động tối thiểu là 16 USD / giờ.
Các đối tác bên ngoài sẽ phải sản xuất trực tiếp nhiều hơn và chấp nhận trả lương lao động cao hơn ở Mexico và Canada hay ở Mỹ.
Qua chuyện bỏ NAFTA để có USMCA này có thể thấy ông Trump quan tâm hàng đầu đến việc các đối tác phải chấp nhận nhượng bộ Mỹ, nhượng bộ cụ thể nào đấy mà không cần nhất khoát phải nhượng bộ những nội dung mang tính nguyên tắc.
Ông Trump muốn có hình ảnh và cảm nhận là các đối tác phải chịu khuất phục trước áp lực và cách thức bất chấp của Mỹ. Canada và Mexico xem ra đã khôn khéo và thực dụng hơn hẳn EU trong xử lý xung khắc thương mại với ông Trump.
Trung Quốc nếu không chịu nhún nhường chút thì sẽ rất khó giải quyết được ồn thoả xung khắc thương mại và kinh tế hiện tại với Mỹ. Còn Nhật Bản và các đối tác khác chắc chắn sẽ phải rút ra được từ chuyện này những bài học kinh nghiệm về xử lý quan hệ của họ với ông Trump như thế nào cho ổn thoả nhất và có lợi nhất.
Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.
Đại sứ Trần Đức Mậu