Thanh tra Chính phủ và Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa chỉ ra hàng loạt sai sót, bất cập ở các dự án BOT, BT. Đồng thời kiến nghị Thủ tướng yêu cầu 2 đơn vị này phải kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan.
Trạm thu phí BOT trên tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới đang tiến hành thí điểm thu phí sử dụng đường bộ đối với các phương tiện ôtô qua lại. Ảnh Chí Duy |
Theo thông tin trên VnExpress, Tri thức trực tuyến, Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có kết luận về việc đầu tư, quản lý các dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) thuộc lĩnh vực giao thông, môi trường tại Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) với 7 dự án gồm: dự án BOT hầm đường bộ đèo Phước Tượng - Phú Gia; dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội); dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình...
Trong số này có 5 dự án BOT, một dự án BT, một dự án kết hợp cả BOT và BT.
Đến tháng 9/2015, Bộ GTVT đã triển khai thực hiện 78 dự án đầu tư theo hình thức BT và BOT trong lĩnh vực giao thông với chiều dài khoảng 2.200 km, tổng mức đầu tư khoảng gần 219.000 tỷ đồng (trên 202.000 tỷ đồng là các dự án BOT).
Kết luận của TTCP xác định trong quá trình xây dựng, Bộ GTVT thực hiện không đầy đủ quy trình xây dựng và công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo quy định hiện hành. Trong hơn 70 dự án BOT và BT Bộ không lựa chọn được nhà đầu tư nào theo hình thức đấu thầu, 100% đều là chỉ định thầu với lý do chỉ có một nhà đầu tư tham gia hoặc do tính cấp bách của dự án. Tuy nhiên, Bộ này không có quy trình, thủ tục đánh giá hay xác định thế nào là cấp bách.
Một số nhà đầu tư được lựa chọn có năng lực hạn chế, không đáp ứng yêu cầu của dự án. TTCP phát hiện kết quả kiểm tra tổng mức đầu tư có nhiều sai lệch nên vốn đầu tư xác định cho hợp đồng dự án không chính xác. Qua 7 dự án nêu trên, các nhà đầu tư phê duyệt sai tăng về đơn giá định mức, chế độ tiền lương, phụ cấp hoặc các yếu tố phát sinh không đúng thực tế với số tiền trên 316 tỷ đồng.
Cũng theo kết luận của TTCP, hầu hết dự án BT và BOT đều thực hiện tại các khu vực giao thông trọng yếu, có mật độ tham gia giao thông lớn, đặt các trạm thu phí có khoảng cách gần nhau bất hợp lý, giá phí cao, tăng nhanh. Việc này khiến người tham gia giao thông không còn sự lựa chọn nào khác, điển hình là tại Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên và Hòa Bình.
Thực trạng trên dẫn đến việc người dân né trạm thu phí, đi vào đường ngang ngõ tắt gây hư hại hệ thống giao thông địa phương, gây nguy cơ mất an toàn giao thông. Hơn nữa, việc xác định phương án, Doanh thu tài chính thiếu chính xác đã gây ra gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp tham gia giao thông vì thời gian thu phí quá dài.
Bộ GTVT khi phê duyệt các dự án đã ghép việc cải tạo với đầu tư xây dựng đường mới thành một dự án rồi đặt 2 trạm thu phí tại 2 nơi không hợp lý. Cụ thể, tại tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) có chiều dài 28 km nhưng quyết định đầu tư BOT Thái Nguyên - Chợ Mới đã phê duyệt lên tới 40,7 km, trong đó bao gồm cả việc nâng cấp cải tạo từ Km 93 đến Km 100 thuộc quốc lộ 3 cũ.
Theo quy định, việc cải tạo đường cũ này phải thực hiện bằng nguồn Quỹ bảo trì đường bộ, như vậy Bộ Giao thông phê duyệt ghép vào là không đúng quy định.
Việc xác định lưu lượng xe chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn nhưng lấy căn cứ áp dụng để thu phí cho cả thời kỳ khai thác rất dài, giá thu phí cao, điều chỉnh không hợp lý. Có dự án chưa hoàn thành (giá trị đầu tư mới 30%) nhưng giá thu phí đã tương đương dự án đầu tư mới.
TTCP cũng khẳng định Bộ GTVT chịu trách nhiệm chung về những sai sót trên. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm liên quan đến việc thu phí chưa hợp lý, thỏa thuận việc đặt trạm thu phí chưa đảm bảo nguyên tắc.
Từ kết luận trên, TTCP kiến nghị Thủ tướng yêu cầu 2 đơn vị này phải kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan.
Đức Hòa (tổng hợp)