Theo Điều 3 Nghị định 24/2023/NĐ-CP, mức lương cơ sở mới được áp dụng từ ngày 1/7/2023 là 1,8 triệu đồng/tháng (tăng 310.00 đồng/tháng so với hiện nay).
Mức lương cơ sở nói trên được dùng làm căn cứ tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác của một số nhóm đối tượng.
Việc tăng lương cơ sở không đồng nghĩa với việc tăng lương cho những người lao động đi làm tại các doanh nghiệp ngoài khối Nhà nước. Bởi tiền lương và chế độ nâng lương đối với những người lao động này được thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động chứ không phụ thuộc vào việc tăng lương cơ sở.
Do đó, khi Nhà nước tăng lương cơ sở, các công ty không có nghĩa vụ phải tăng lương cho người lao động (trừ khi ngày 1/7/2023 trùng với thời điểm nâng lương mà các bên đã thỏa thuận từ trước).
Hàng tháng, người lao động đi làm công ty đều bị khấu trừ một phần tiền lương để thực hiện các nghĩa vụ tài chính liên quan đến thuế, bảo hiểm, đoàn phí hoặc bồi thường do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động (nếu có).
Trước ảnh hưởng của việc tăng lương cơ sở, từ ngày 1/7/2023, nhiều người lao động đi làm công ty có khả năng sẽ bị khấu trừ tiền lương nhiều hơn so với trước đây do tăng mức đóng bảo hiểm bắt buộc tối đa.
Tại khoản 1 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định, người lao động phải đóng bằng 8% mức lương cơ sở vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Tại điểm a khoản 1 Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế 2008 được sửa đổi bởi khoản 7 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 có quy định, mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế được quy định như sau: Mức đóng hằng tháng của đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 của Luật này tối đa bằng 6% tiền lương tháng, trong đó người sử dụng lao động đóng 2/3 và người lao động đóng 1/3. Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì mức đóng hằng tháng tối đa bằng 6% tiền lương tháng của người lao động trước khi nghỉ thai sản và do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng.
Và tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định, mức đóng bảo hiểm y tế hằng tháng của các đối tượng được quy định như sau: Bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định này. Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì không phải đóng bảo hiểm y tế nhưng vẫn được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế; Người lao động trong thời gian bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không vi phạm pháp luật thì mức đóng hằng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng của người lao động. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền kết luận là không vi phạm pháp luật, người lao động phải truy đóng bảo hiểm y tế trên số tiền lương được truy lĩnh.
Theo đó, mức đóng bảo hiểm y tế của người lao động đóng 1/3 tương đương 1,5% tiền lương tháng.
Tại khoản 1 Điều 57 Luật Việc làm 2013 có quy định, người lao động đóng 1% tiền lương tháng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Tại khoản 3 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định, mức tiền lương tháng đóng BHXH tối đa bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Như vậy, khi đi làm ở các doanh nghiệp, người lao động thường phải đóng 3 loại bảo hiểm bắt buộc bao gồm: Bảo hiểm xã hội (đóng 8%), bảo hiểm y tế (đóng 1,5%), bảo hiểm thất nghiệp (đóng 1%).
Theo đó, hằng tháng, người lao động phải đóng bảo hiểm với tỷ lệ 10,5% tiền lương tháng đóng bảo hiểm.
Nếu trả lương theo chế độ Nhà nước thì mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tối đa bằng 20 lần mức lương cơ sở. Tương ứng với đó, mức đóng bảo hiểm hằng tháng sẽ thay đổi như sau:
Như vậy, những ai đi làm được trả lương cao hơn hoặc bằng 20 lần mức lương cơ sở thì từ ngày 1/7/2023 sẽ bị khấu trừ tiền đóng bảo hiểm xã hội nhiều hơn trước 651.000 đồng/tháng.