Tin mới

Từ 1/12: Tăng thời hạn Giấy phép lái xe hạng B1

Thứ ba, 28/10/2014, 15:16 (GMT+7)

Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Thông tư 48/2014/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 46/2012/TT-BGTVT ngày 7/11/2012 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, trong đó sửa đổi quy định thời hạn của giấy phép lái xe hạng B1.

 

 

Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Thông tư 48/2014/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 46/2012/TT-BGTVT ngày 7/11/2012 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, trong đó sửa đổi quy định thời hạn của giấy phép lái xe hạng B1.

Theo thông tư 46/2012/TT-BGTVT ban hành ngày 7/11/2012, tại điều 29: Thời hạn của giấy phép lái xe giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3 không có thời hạn. Giấy phép lái xe hạng A4, B1, B2 có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp. Giấy phép lái xe hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE có thời hạn 05 năm, kể từ ngày cấp.

Còn theo Thông tư 48, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 46/2012/TT-BGTV ngày 7/11/2012, giấy phép lái xe hạng B1 cấp cho người lái xe có thời hạn đến đủ 55 tuổi đối với nữ và đến đủ 60 tuổi đối với nam. Trong trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì giấy phép lái xe được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp. Như vậy, so với quy định cũ, thời hạn giấy phép lái xe hạng B1 tăng lên đáng kể.

Ngoài giấy phép lái xe hạng B1 thì thời hạn của các loại giấy phép lái xe khác vẫn được giữ nguyên. Cụ thể, giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3 không có thời hạn. Giấy phép lái xe hạng A4, B2 có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp. Giấy phép lái xe hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE có thời hạn 5 năm, kể từ ngày cấp.

Mẫu giấy phép lái xe mới.

Thông tư cũng sửa đổi một số quy định về giấy phép lái xe cho người nước ngoài. Cụ thể, người nước ngoài hoặc người Việt nam cư trú ở nước ngoài có nhu cầu lái xe ở Việt Nam thực hiện như sau:

Nếu có giấy phép lái xe (GPLX)  quốc gia phải làm thủ tục đổi sang GPLX tương ứng của Việt Nam. Nếu có GPLX quốc tế do cơ quan có thẩm quyền của các nước tham gia Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 cấp, còn thời hạn sử dụng thì được lái loại xe quy định đã ghi trong GPLX mà không phải đổi sang GPLX Việt Nam. Trường hợp điều ước quốc tế về GPLX mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Liên quan đến nội dung xác minh GPLX, Thông tư mới ban hành quy định rõ: việc xác minh GPLX phải thực hiện ngay qua điện thoại hoặc thư điện tử hoặc Fax và sau đó gửi bằng văn bản. Sau khi có kết quả xác minh GPLX, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải cập nhật bổ sung thông tin về GPLX vào hệ cơ sở dữ liệu quản lý GPLX thống nhất toàn quốc.

Trường hợp phát hiện GPLX đã cấp không hợp lệ, cơ quan trực tiếp cấp, đổi GPLX có trách nhiệm: ra quyết định thu hồi; phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam xử lý, cập nhật vi phạm trên hệ cơ sở dữ liệu quản lý GPLX thống nhất toàn quốc; thông báo trên Trang thông tin điện tử của Sở Giao thông vận tải và Trang thông tin điện tử quản lý GPLX để không công nhận tính hợp pháp của GPLX đã cấp; xử lý vi phạm theo quy định.

Về thời hạn xác minh, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải xác minh GPLX đã cấp. Ngay khi nhận được yêu cầu xác minh, Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải phải trả lời xác minh GPLX đã cấp.

Thông tư số 48/2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2014.

Theo Người đưa tin

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news