Nói vui, nếu Alaan Bruno (Than Quảng Ninh) xoạc bóng trên Old Trafford (hoặc bất kỳ sân vận động nào đủ tiêu chuẩn), thì anh đã có thể biểu diễn một cú trượt cỏ ngọt lịm, thay vì đối diện với một chấn thương có thể khiến anh phải giải nghệ.
Nhưng trận đấu với HA.GL vừa qua ngày 21/2 lại diễn ra trên sân... Cẩm Phả, và mặt cỏ của nó đã bẻ gập cổ chân trái của Bruno. Một chấn thương khá lãng nhách, nhưng rất nghiêm trọng. Bác sỹ thể thao nhiều kinh nghiệm Đồng Xuân Lâm đồng thời cũng là bác sỹ của CLB HA.GL có mặt trực tiếp tại sân Cẩm Phả chiều 21/2 cho biết: “Cổ chân của cầu thủ vốn có nhiều dây chằng, việc anh ấy bị lòi hẳn cổ chân ra khỏi khớp xem như không còn cơ hội thi đấu bóng đá nữa”.
Video cận cảnh pha chấn thương của Bruno
Từ những chấn thương vô duyên
“Hồi bọn em qua Nhật Bản tập huấn. Trời, các sân bên đó mặt cỏ nhìn thấy mê, chuyền sệt 10 quả thì bóng đi thẳng tắp cả 10. Mặt sân mịn như nhung mà cỏ thì rất dai, không bị bật tung từng mảng nên mình có muốn sục giày “phá” cũng không được…”. Ngồi trên khán đài sân Thống Nhất để xem các đồng nghiệp đá ở giải VĐQG bóng đá nữ Thái Sơn Bắc 2014, tiền đạo Minh Nguyệt của Hà Nội 1 cất tiếng thở dài.
Minh Nguyệt không đá được vì bị đau gối cần phải nghỉ dưỡng sau 1 năm cày ải cho CLB lẫn đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam hồi năm 2013. Cái đầu gối bị đau âm ỉ của Nguyệt “Tèo” bây giờ là di chứng để lại của chấn thương nặng đứt dây chằng chéo sau hồi năm 2010 khiến chị từng phẫu thuật và mất gần 8 tháng dưỡng thương.
Mà chấn thương của Minh Nguyệt lại không đến từ thi đấu hay va chạm gì với ai. Nó đến trong một tình huống trên sân tập ở Trung tâm đào tạo VĐV cấp cao Hà Nội ở Mỹ Đình. Trong một pha đuổi bóng, chân phải của Nguyệt vô tình dẫm phải một cái hõm sâu khiến bàn chân dính lại, đầu gối bị vặt đột ngột nên… “phựt”.
Chấn thương của Bruno một phần là do mặt sân xấu? Ảnh: V.S.I
“Lúc nằm trên giường sau khi mổ với cơn đau kinh khủng và cả sau này em cảm thấy ấm ức vì tự dưng lại dính một chấn thương sao mà “vô duyên” đến vậy. Nói ra không phải để trách nhưng mặt sân xấu và dụng cụ tập luyện thiếu thốn là hai nguyên nhân chính dẫn đến chấn thương cho cầu thủ ở Việt Nam.
Hồi năm 2010, lúc mới về B.Bình Dương và đang có phong độ rất tốt thì đến đợt nghỉ, V.League phải tạm dừng do vướng World Cup, trong buổi tập ở sân Gò Đậu, Lee Nguyễn bất ngờ lọt chân vô hõm sâu nhưng may hơn Minh Nguyệt là cầu thủ Việt kiều Mỹ chỉ bị… vẹo cổ chân.
Vậy là phải nghỉ mất gần 20 tháng để dưỡng cho cổ chân nhưng khi đá trở lại, Lee Nguyễn không đá được như cũ và đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến B.Bình Dương đang từ vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng tụt dần xuống phía sau.
Tiền mà B.Bình Dương trả cho Lee Nguyễn đâu có ít khi lương tháng lên tới 12.000 USD (và 3.000 USD tiền thưởng riêng) cùng 250.000 USD lót tay/mùa giải.
Một trường hợp chấn thương nặng bởi mặt sân là tiền vệ Tuấn Phong của ĐT.Long An khi bị đứt gân Achilles trong một buổi tập ở trung tâm Bến Lức hồi mùa giải 2009.
“Tôi thấy Phong đi lui lui bình thường thì bỗng hụt một cái rồi nằm dài ra, lúc tháo giày thì thấy gót chân bị lõm vào nhìn rất sợ”, HLV Trần Công Minh khi đó đang làm HLV trưởng ở ĐT.Long An chứng kiến kể lại.
Dính chân thương nặng này và dù được đưa sang Bồ Đào Nha chữa trị nhưng Phong “Bean” chẳng đá lại được bao nhiêu vào treo giày hồi năm ngoái ở tuổi 32.
Kể ra thì không biết bao nhiêu trường hợp bị chấn thương lãng nhách vì mặt sân xấu, lúc tập luyện cả khi thi đấu. Và chấn thương ghê rợn của tiền đạo Bruno (Than Quảng Ninh) khi quay chậm lại mới thấy lúc tắc bóng và trượt người trên sân thì dù không va chạm với Anh Tuấn (HA.GL) nhưng bàn chân trái của cầu thủ Brazil bị vướng lại mặt sân khiến cổ chân bị vặn.
Cho đến lợi thế sân nhà
Mặt sân Cẩm Phả mà đội Than Quảng Ninh đá V.League, hạng nhất và Than Khoáng sản Việt Nam ở giải bóng đá nữ bấy lâu nay được xếp vào diện “xấu kinh hoàng” trong các sân bóng ở Việt Nam. Mặt sân mấp mô, cứng như nện đất và cỏ chỗ có chỗ không khiến các CLB khác khi đến đây đều khó đá.
Xếp vào diện sân xấu ở V.League có thể liệt kê ra các sân Thanh Hóa, Vinh, Đà Nẵng. Sân Thanh Hóa có đặc điểm đánh lừa thị gác khi ở trên nhìn xuống thấy mặt cỏ khá xanh tốt nhưng chạy trên đó rồi mới biết mặt sân lồi lõm, mấp mô khiến quả bóng chuyền sệt lúc nào cũng nảy tưng tưng.
Trung vệ Cao Xuân Thắng (QNK.Quảng Nam), người từng lăn lộn khắp các sân cỏ trong Nam ngoài Bắc khi khoác áo từ hạng Nhì, hạng Nhất đến V.League nhận xét: “Đà Nẵng mang tiếng thành phố lớn mà mặt sân xấu kinh khủng. Sân cứng như bê tông, cỏ mọc không nổi nên cứ thấy cái sân là chúng tôi chán luôn, không muốn đá. Mặt sân Vinh thì xấu có truyền thống rồi.
Hàng Đẫy, Long Xuyên, Đồng Nai, Pleiku hay Tam Kỳ tương đối ổn, chấp nhận được. Sân đẹp có Tây Ninh có thể nói tốt vào loại nhất nhì dù họ chỉ đá ở hạng Nhất. Cầu thủ đá sân xấu thì vừa sợ chấn thương, khó đá mà vừa mất hứng nên chất lượng chuyên môn giảm rất nhiều”.
Để làm và bảo dưỡng một mặt cỏ tốt hẳn phải tốn tiền. Ngay cả như sân Pleiku cách đây 3 năm khi tổ chức VCK U21 quốc gia và giải U21 quốc tế Báo Thanh Niên cũng từng là nỗi xấu hổ của bầu Đức khi mưa xuống, sân lầy nên bị cầu thủ cày nát đến nỗi mùi bùn bốc lên… thối inh lên tận khán đài. Quá mất mặt với cái sân, bầu Đức phải chi tiền tỷ để làm lại toàn bộ vào năm 2012.
Bóng đá Việt Nam cứ hay nói đến chuyện làm thế nào để chuyên nghiệp nhưng đến cái mặt sân cỏ còn làm không xong thì nói chuyện vĩ mô mà làm gì.
Nguyên An