Tuy nhiên, các nước châu Phi cũng đang tận dụng nguồn tài chính của Trung Quốc và lợi dụng Bắc Kinh làm đối trọng cho quan hệ với các đối tác khác của châu lục.
Ngày 26/6 vừa qua, tại Bắc Kinh đã khai mạc Diễn đàn an ninh và phòng thủ - châu Phi lần đầu tiên. Nhận lời mời của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Tư lệnh quân đội của 50 quốc gia châu Phi đã tới dự.
Các hoạt động trong khuôn khổ diễn đàn lần đầu tiên này kéo dài đến tận ngày 10/7 tới. Các vị chỉ huy quân đội các nước châu Phi không chỉ tham dự các phiên họp hẹp và rộng, thảo luận kín và mở, mà còn tham quan nhiều đơn vị quân đội Trung Quốc, được giới thiệu về tiềm lực của quân đội Trung Quốc và về nền công nghiệp quân sự của Trung Quốc.
Trung Quốc muốn thể hiện cho các nước châu Phi thấy thực lực và mong muốn tăng cường hợp tác về quân sự, quốc phòng và an ninh với các nước châu Phi. Trung Quốc chủ ý thuyết phục các nước châu Phi tin tưởng vào lợi ích có được từ hợp tác quân sự, quốc phòng và an ninh với Trung Quốc.
Bảo toàn lợi ích nơi xa
Tư lệnh quân đội của 50 quốc gia châu Phi đã tới Bắc Kinh dự họp.
Trong thực chất, Trung Quốc theo đuổi mục tiêu gây dựng mối quan hệ hợp tác về quân sự, quốc phòng và an ninh với các nước châu Phi để bảo toàn những lợi ích Trung Quốc đến nay đã có được ở châu Phi.
Những lợi ích ấy hiện bị đe doạ, bị cạnh tranh, bị ảnh hưởng và bị tổn hại bởi cuộc cạnh tranh chiến lược của nhiều đối tác bên ngoài và bởi tình trạng mất an ninh và ổn định, chiến tranh và xung khắc vũ trang, cướp biển và thiên tai ở nhiều quốc gia châu Phi.
Sự hợp tác trên những lĩnh vực này bổ sung cho chiến lược của Trung Quốc đối với châu Phi, giúp chiến lược ấy cứ dần từng bước được hoàn thiện hơn.
Hợp tác về quân sự, quốc phòng và an ninh giúp quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và các đối tác thêm gắn kết chặt chẽ và tin cậy, bổ sung cho sự hiện diện quân sự trực tiếp của Trung Quốc ở châu Phi và tạo ra cho Trung Quốc điều kiện thuận lợi để tận dụng quân đội các nước châu Phi cho việc bảo vệ lợi ích của Trung Quốc trên châu lục.
Mức độ hiện diện quân sự trực tiếp của Trung Quốc ở châu lục này chưa nhiều thì sự hợp tác kia càng thêm quan trọng đối với Trung Quốc. Năm 2011, Trung Quốc đã đưa tàu chiến đến ngoài khơi bờ biển Libya nhưng chỉ để đảm bảo an ninh cho chiến dịch đưa sơ tán công dân Trung Quốc ra khỏi quốc gia này.
Trung Quốc đã có căn cứ quân sự ở Djibouti nhưng mới chỉ với quy mô còn nhỏ. Trung Quốc đã cùng Nga tiến hành tập trận chung ở khu vực Địa Trung Hải. Trung Quốc tham gia vào lực lượng quân đội gìn giữ hoà bình của LHQ, nhưng với 2.400 lính như hiện tại thì còn rất thấp so với những nước như Ethiopia, Bangladesh hay Ấn Độ.
Trong khi đó, lợi ích ở nơi này mà Trung Quốc có nhu cầu bảo vệ lại rất lớn. Cho tới nay, Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều tiền vào các nước ở châu Phi, thực hiện rất nhiều dự án ở đây và có rất nhiều người Trung Quốc lao động ở châu Phi.
Chỉ riêng trong thời gian từ năm 2012 đến năm 2016, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào các nước châu Phi tăng từ 40 tỷ USD lên 90 tỷ USD. Chương trình Vành đai và Con đường của Trung Quốc có chặng tuyến đường biển nối từ Kolkata của Ấn Độ qua Colombo của Sri Lanka sang bờ biển phía đông của châu Phi, từ Mombasa qua Djibouti để đi vào kênh đào Suez.
Châu Phi còn là thị trường xuất khẩu vũ khí đầy tiềm năng của Trung Quốc. Theo Viện nghiên cứu hoà bình Stockholm (Sipri, Thuỵ Điển), xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc sang các nước châu Phi giai đoạn 2013 đến 2017 so với thời kỳ 2008 đến 2012 tăng 55%.
Tăng cường hợp tác với các nước châu Phi về quân sự, quốc phòng và an ninh giúp Trung Quốc bảo toàn hiệu quả hơn những lợi ích đã có được nói trên. Những lợi ích ấy còn hiện thân cho ảnh hưởng và vai trò chính trị của Trung Quốc ở châu lục này.
Diễn đàn an ninh và quốc phòng Trung Quốc - Châu Phi được thành lập vừa thể chế hoá quan hệ hợp tác ấy vừa tạo động lực phát triền mới cho nó. Trung Quốc có thêm con chủ bài mới trong cuộc cạnh tranh chiến lược với các đối tác khác giành châu Phi.
Nhưng các nước châu Phi vừa tận dụng nguồn tài chính của Trung Quốc vừa lợi dụng Trung Quốc làm đối trọng cho quan hệ với các đối tác kia. Ở đây, chuyện lợi dụng lẫn nhau chẳng có gì lạ và mới.