(Tinmoi.vn) Đây là một câu chuyện thuộc loại có thể trở thành truyện phim. Một người đàn ông Mỹ chờ ngày bị thi hành án tử hình trong gần 3 thập niên giờ đã được tự do.
Các phương tiện truyền thông cho biết, ông là một trong những tử tù thụ án lâu nhất để chờ ngày được minh oan trong lịch sử tư pháp hiện đại Mỹ.
Vào một ngày trung tuần tháng Ba, chính quyền tiểu bang Louisiana (Mỹ) đã chính thức phóng thích tù nhân Glenn Ford, người từng bị bắt và bị kết án tử hình vì tội giết người gần 30 năm trước.
Bức ảnh chụp một ngày sau khi Glenn Ford được trả tự do sau gần 30 năm ngồi tù.
Kỷ lục trong ngành tư pháp Mỹ
Glenn Ford, 64 tuổi, bị kết án tử hình từ tháng 8/1988. Khi đó, ông bị xác định là kẻ đã giết chết thợ kim hoàn Isadore Rozeman vào năm 1983. Trước đó, ông Glenn Ford thỉnh thoảng làm vườn cho ông Rozeman.
Theo hồ sơ, thợ sửa đồng hồ và kim hoàn Rozeman bị bắn chết ở phía sau quầy của tiệm Stoner, ngày 5/11/1983. Ba người đàn ông khác cùng bị bắt với Ford vì đồng phạm, nhưng sau đó, các cáo buộc này được hủy bỏ.
Không hiểu bằng cách nào đó, tên sát thủ đã để lại tất cả đồ trang sức cướp được và khẩu súng tại cửa hiệu cầm đồ của nhà Glenn. Cảnh sát đã tìm thấy những vật dụng này ở nhà Glenn và cho rằng, ông chính là kẻ sát nhân. Mặc dù Glenn luôn kêu oan nhưng tòa án vẫn ra phán quyết ông với tội danh giết người, cướp của, có tính chất dã man. Năm 1984, Glenn bị vào tù và dự kiến sẽ tử hình bằng ghế điện vào tháng 8/1988. May mắn thay, 4 năm sau, Glenn đã được chuyển thành án chung thân.
Từ khi bị bắt, ông Ford không ngừng phủ nhận việc mình là hung thủ giết người. Mãi đến ngày 10/3, thẩm phán Ramona Emanuel mới giúp ông Ford lật lại vụ án và xóa bỏ án tử. Đó là vì những thông tin mới, chứng minh ông không hề liên quan đến cái chết của nạn nhân Rozeman.
Nhiều sai sót trong vụ án của ông Ford được truyền thông Mỹ đưa ra, như không tìm được hung khí giết người; lời khai của một nữ nhân chứng sai sự thật; luật sư do tòa án chỉ định chưa từng có kinh nghiệm về bất cứ vụ án giết người nào; ông Ford - một người da đen - bị hội đồng xét xử toàn những người da trắng kết án tử hình.
Suốt nhiều thập niên, Ford cương quyết nói, mình vô tội và nộp nhiều đơn kháng cáo. Đến hôm 11/3, thẩm phán Ramona Emanuel của bang Louisiana đã ra phán quyết, bác cáo trạng và bản án toà đã tuyên đối với ông Ford dựa trên thông tin mới khẳng định, ông không có mặt hay liên quan gì đến cái chết của Rozeman, luật sư của ông Ford nói.
Họ khẳng định, phiên xét xử đã “bị làm sai lệch một cách sâu sắc bởi luật sư thiếu kinh nghiệm và bởi sự bác bỏ các bằng chứng một cách trái luật, bao gồm thông tin từ một nguồn tin”. Cũng có tuyên bố rằng, một báo cáo của cảnh sát liên quan tới thời gian của vụ án và bằng chứng liên quan đến vũ khí giết người đã bị ỉm đi.
Vào năm 2000, Pháp viện tối cao Louisiana đã ra lệnh mở một phiên điều trần về việc ông Ford nói rằng, công tố viên đã giấu đi một số bằng chứng liên quan đến Jake và Henry Robinson, hai đối tượng ban đầu dính líu vào vụ án. Ngoài ra, một người cung cấp tin ẩn danh trong năm 2013 đã từng nói với các công tố viên rằng, Jake Robinson đã thừa nhận bắn chết Rozeman. Cũng có tuyên bố rằng, một báo cáo của cảnh sát liên quan tới thời gian của vụ án và bằng chứng liên quan đến vũ khí giết người đã bị giấu đi.
Lệnh trả tự do cho Ford có trích dẫn thông tin đáng tin cậy, nói rằng tiểu bang Illinois tin bất cứ điều gì liên quan tới Glenn Ford trong vụ cướp hoặc giết Rozeman, trong thời gian diễn ra phiên tòa năm 1988, có thể dẫn đến kết quả khác. Nếu tiểu bang có được những thông tin như hiện nay, Glenn Ford sẽ không bị bắt hoặc bị truy tố.
Ông David Ranta đã nhận được khoản bồi thường 6,4 triệu USD vì ngồi tù oan 23 năm
7 tỷ USD cho 30 năm
Trả lời phỏng vấn sau khi được thả, khi được hỏi, ông có oán giận hay không, ông Ford nói: “Tất nhiên là có, bởi tôi đã bị giam gần 30 năm vì một việc mà tôi không làm”. Ông Glenn Ford nói, khi ông vào tù, các con của ông là những đứa trẻ sơ sinh. Giờ đây, họ là những người đàn ông trưởng thành và đã có vợ con.
Khi được hỏi ông đã mất đi những gì, Ford trả lời: “30 năm cuộc đời tôi, nếu không muốn nói là cả đời. Tôi không thể quay trở lại và làm những việc lẽ ra tôi có thể làm khi 35, 38, 40 tuổi, những việc giống như vậy”.
Người đàn ông 64 tuổi này đã được hít thở bầu không khí tự do, nhưng ông gặp phải khó khăn trong việc tái hòa nhập cộng đồng. Mọi chuyện đã thay đổi rất nhiều kể từ lúc ông bắt đầu ăn cơm tù, khi Ronald Reagan còn làm Tổng thống Mỹ.
Khi bước chân ra khỏi nhà tù Angola nổi tiếng của tiểu bang Louisiana, Ford đói, vì từ giờ phút này trở đi, ông biết rằng, mình đã thoát án, điều đó đồng nghĩa với việc ông được ăn bất cứ món ăn gì ông thích. Và tất nhiên, không bao giờ ông ăn lại những món ăn ông đã ăn hàng ngày trong tù.
Đây là lần đầu tiên trong vòng 7 năm Ford được ra ngoài. 7 năm, không phải vì ông ở trong phòng biệt giam mà vì các giám thị trại thường hà khắc với những tên tội phạm giết người như ông hơn. Họ cho rằng những người này đã bị án chung thân thì cho ra bên ngoài cũng không có ý nghĩa gì. Bản thân Ford cũng chia sẻ rằng, ông không muốn “được” cho ra ngoài bằng một cái lồng nhỏ, vì ông bị bệnh đau chân và cao huyết áp. Quan trọng hơn, mấy cái lồng khiến ông trông giống như động vật.
Trước khi rời nhà tù, Giám đốc trại Burl Cain đã bắt tay Ford và nói với Ford rằng, nếu cuộc sống ở bên ngoài có vấn đề gì, hãy gọi cho ông. Nó giống như một cảnh siêu thực từ một bộ phim tù. Nhưng Ford đã đón nhận cử chỉ này một cách chân thành, mặc dù nó đến từ một quan chức đứng đầu trại giam Angola, nơi nổi tiếng là đối xử với phạm nhân tồi tệ và vô nhân đạo.
Theo luật của Louisiana, ông Ford có quyền đòi bồi thường cho khoảng thời gian ngồi tù. Theo đó, một người có thể được bồi thường 25.000 USD/năm cho mỗi năm ngồi tù oan, nhưng không vượt quá 250.000 USD, cộng với 80.000 USD bồi thường vì “mất cơ hội trong cuộc sống”. Nếu chính quyền bang Louisiana bồi thường mức cao nhất cho ông Ford, ông sẽ được 330.000 USD (khoảng 7 tỷ đồng) cho 30 năm ngồi tù, tương đương 11.000 USD mỗi năm (gần 235 triệu đồng).
Đây không phải là lần đầu tiên một bang ở Mỹ phải bồi thường cho những người chịu án oan. Vào tháng Hai vừa rồi, chính quyền thành phố New York đã phải bồi thường 6,4 triệu USD (khoảng hơn 130 tỷ đồng) cho một người đàn ông bị ngồi tù oan 23 năm với tội danh giết người. Sau một cuộc điều tra vào năm 2011, sở Cảnh sát New York mới phát hiện bằng chứng về hành vi dàn dựng nhân chứng và mớm cung của thám tử. Một nhân chứng lúc đó mới 13 tuổi cho biết, thám tử đã bảo anh ta chỉ vào “người đàn ông mũi to” khi nhận diện nghi phạm. Sau 23 năm đưa ra phán quyết sai lầm với ông Ranta, chính quyền thành phố New York đã phải trả giá đắt cho việc này. Ông Ranta được minh oan sau khi sở Cảnh sát New York điều tra lại vụ án do thám tử Louis Scarcella phụ trách, cách đây hơn 20 năm. Tòa án New York đã kết án ông Ranta tới 37 năm tù với những chứng cứ không chuẩn xác. Sau khi được thả tự do hai tháng, ông Ranta đã đệ đơn kiện và đòi thành phố bồi thường số tiền 150 triệu USD (3,2 nghìn tỷ đồng), với mức trung bình 278.000 USD cho mỗi năm ông phải ngồi tù. Tuy nhiên sau quá trình đàm phán, văn phòng công tố New York đã thỏa thuận với ông Ranta và thống nhất về mức bồi thường là 6,4 triệu USD. Luật sư của ông Ranta tuyên bố: “Không số tiền nào có thể bù đắp được việc ông Ranta đã phải đi tù oan 23 năm. Tuy nhiên, khoản bồi thường này sẽ giúp ông ổn định được cuộc sống sau khi được minh oan. Ông ấy rất vui và nhẹ nhõm, vì ông sẽ tự chăm sóc được bản thân và gia đình với số tiền bồi thường”. |
Xuân - Sang (Theo The Atlantic, Guardian, Independent)