Mỹ và đồng minh không còn có thể dùng sức mạnh quân sự để xoay chuyển cục diện chiến sự và chiến tranh ở Syria được nữa.
Tác động của trận không kích
Kết quả và tác động của trận không kích vừa rồi của Mỹ, Anh, Pháp nhằm vào chính phủ được phía liên quân của Mỹ và phe đồng minh với chính phủ Syria nhìn nhận, đánh giá rất khác nhau, trên nhiều phương diện trái ngược nhau.
Có thể chắc chắn một điều là tác động của vụ việc này đến những gì tới đây sẽ xảy ra ở Syria và có liên quan đến Syria mạnh mẽ và sâu sắc hơn nhiều so với tác động của trận không kích của Mỹ hồi năm ngoái tới diễn biến tình hình trong thời gian sau đó. Bởi tất cả các bên liên quan trực tiếp cũng như gián tiếp đều không thể không rút ra cho họ những nhận thức và bài học cần thiết và đắt giá từ đó.
Đối với Mỹ và đồng minh ở trong cũng như ngoài Syria - bất kể EU, NATO, Israel, Ả rập Xê út, người Kurd hay các lực lượng nổi dậy chống chính phủ ở Syria - nhận thức từ đó là không còn có thể dùng sức mạnh quân sự để xoay chuyển cục diện chiến sự và chiến tranh ở Syria được nữa.
Nói theo cách khác, họ không còn có thể làm đảo ngược được những gì mà Nga, Iran cùng với Thổ Nhĩ Kỳ và chính phủ Syria đã đạt được cho đến nay và hiện đang vận hành ở Syria. Họ có thể còn cản trở và chống phá nhưng không thể làm thay đổi cơ bản và quyết định được nữa. Bởi vậy, từ nay họ sẽ phải tập trung trước hết cũng như nhiều nhất vào cuộc đấu tranh chính trị, ngoại giao với Nga và mấu chốt nhất bây giờ là mối quan hệ giữa Mỹ với Nga.
Điểm yếu nhất của phe này là không có được chiến lược hoàn chỉnh cho Syria hài hoà giữa hoạt động quân sự ở Syria với giải pháp chính trị cho Syria để có được hiệu ứng cộng hưởng lâu bền và Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trương giảm cam kết can dự trực tiếp của Mỹ vào khu vực này.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang nỗ lực khắc phục điểm yếu này với chiến dịch ngoại giao ở LHQ nhưng triển vọng thành công rất mong manh vì vừa quá muộn lại vừa không hợp thời khi mối quan hệ của Phương Tây với Nga đã trở nên tồi tệ và hiện vẫn còn tiếp tục trầm trọng hơn.
Theo Bộ trưởng ngoại giao Nga Sergei Lavrow, trận không kích vừa rồi mà ông Macron rất hăng hái đã 'tiêu huỷ chút tin cậy lẫn nhau cuối cùng còn lại giữa Nga và Phương Tây".
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Reuters
Đối với phía Nga và đồng minh, bài học đắt giá nhất từ chuyện này là không để cho phía bên kia có cớ can thiệp quân sự vào Syria một lần nữa. Việc này bao hàm vừa không tạo cớ cho phía bên kia và vừa không để cho phía bên kia tạo cớ. Hành động sử dụng vũ khí hoá học đã trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết, nguy hiểm nhất đối với chính phủ Syria và tai hại nhất đối với Nga cùng các đồng minh khác. Nó sẽ còn được phía đối địch dùng làm con bài để tiếp tục khai thác và tận dụng.
Phe chính phủ Syria tuy đã thắng thế trên chiến trường nhưng không thể không nhận thấy càng cần cái ô bảo hộ an ninh của Nga hơn bao giờ hết. Nga và đồng minh tuy không để cho phía bên kia muốn làm gì thì làm ở Syria nhưng rõ ràng cũng lại không thể ngăn cản được hoàn toàn phía bên kia tiếp tục tiến hành tấn công quân sự nhằm vào chính phủ Syria.
Phe này không có lý do gì để không tiếp tục chiến lược và sách lược đã được thực hiện từ lâu nay, nhưng rõ ràng không thể không thận trọng hơn trong hoạt động quân sự và khôn khéo hơn về chính trị.
Nga, Mỹ sẽ làm gì?
Trận không kích vừa rồi có thể báo hiệu ông Macron ở Pháp hay Thủ tướng Theresa May ở Anh hoặc thành viên khác nữa của EU thay đổi quan điểm Chính sách đối với Nga và chính phủ Syria nhưng ở ông Trump thì nhiều khả năng là không.
Cộng sự của ông có thể mang quan điểm khác và bản thân ông Trump rồi đây cũng có thể thay đổi nhận thức, nhưng ở thời điểm hiện tại có thể thấy ông Trump không nghiêng về định hướng Mỹ tăng cường can thiệp quân sự vào Syria và hoạt động quân sự ở Syria mà sẽ rút quân Mỹ ra khỏi nơi này sớm nhất có thể và chỉ tập trung vào mặc cả với Nga về phần của Mỹ trong tương lai chính trị của Syria.
Tổng thống Mỹ nhận thấy rằng càng lún sâu và lâu vào Syria thì càng làm suy giảm tác động dân tuý của khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết" ở Mỹ. Cho nên dẫu vẫn buộc phải làm găng với Nga, ông Trump cũng sẽ chỉ làm có mức độ chứ không làm hết mức độ, càng không khiêu khích và khiêu chiến Nga ở Syria cũng như trên các lĩnh vực quan hệ khác.
Phương diện này bộc lộ rất rõ sự bất đồng quan điểm sâu sắc giữa ông Trump và các cộng sự thân cận cũng như giữa Mỹ và nhiều đồng minh chiến lược.
Nga đáp trả Mỹ, EU, NATO và những đối thủ khác vì không thể không đáp trả, vì phải giữ thể diện và để không bị coi là thất thế hay yếu thế và vì nếu không như vậy phía bên kia sẽ tiếp tục lấn tới nữa. Nhưng lợi ích của Nga là phân hoá Mỹ với các đồng minh của Mỹ và phân rẽ ông Trump với những cộng sự có quan điểm cứng rắn với Nga.
Cho nên nếu Nga có trừng phạt Mỹ thì cũng chỉ đáp trả những biện pháp trước đó của Mỹ trừng phạt Nga về chuyện Crimea, Ukraine, bầu cử ở Mỹ hay vụ đầu độc ở Anh, chứ không phải vì trận không kích vừa rồi của Mỹ vào Syria. Mối quan hệ giữa Mỹ và Nga hiện đương nhiên không thể được coi là tốt và ổn nhưng cũng không hẳn hoàn toàn chỉ tồi tệ và không còn chút dư địa nào để cứu vãn.
*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.