Tin mới

Tuyên bố Bàn Môn Điếm bị chỉ trích là "màn kịch hòa bình": Con đường phê chuẩn gian nan

Thứ hai, 30/04/2018, 19:55 (GMT+7)

Sau Thượng đỉnh liên Triều, nội bộ các đảng phái chính trị của Hàn Quốc đã chia làm 2 phe có quan điểm đối lập về Tuyên bố Bàn Môn Điếm.

Sau Thượng đỉnh liên Triều, nội bộ các đảng phái chính trị của Hàn Quốc đã chia làm 2 phe có quan điểm đối lập về Tuyên bố Bàn Môn Điếm.

Việc Quốc hội có phê chuẩn tuyên bố sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều diễn ra trong tuần trước hay không đang nổi lên thành một vấn đề chính trị nóng ở xứ sở kim chi, khi đảng đối lập chính Đảng Hàn Quốc Tự do (LKP) gọi tuyên bố này là một "màn kịch hòa bình giả tạo" - hay một vở kịch chính trị trước các cuộc bầu cử địa phương vào tháng 6 tới.

Nhà Xanh và Đảng Dân chủ cầm quyền đã tìm kiếm sự phê chuẩn của Quốc hội để đảm bảo Tuyên bố Bàn Môn Điếm có thể được thực hiện trong khuôn khổ pháp lý và tiếp tục có hiệu lực cho dù chính quyền Hàn Quốc có thay đổi hay không.

Một số thành viên LKP bày tỏ sự nghi ngờ rằng đảng cầm quyền đang tìm cách tô vẽ họ như một lực lượng "chống lại hòa bình" và biến cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều thành lợi thế cho đảng cầm quyền trước các cuộc bầu cử địa phương vào ngày 13/6 tới.

Trong tuyên bố sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, hai bên đã khẳng định mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa hoàn toàn và nhất trí ngừng tất cả các hành động thù địch chống lại nhau, cũng như tìm cách chấm dứt chính thức Cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-53) và xây dựng một nền hòa bình, cùng nhiều vấn đề khác.

Trong các cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều năm 2000 và 2007, hai bên cũng đã từng đưa ra được 2 tuyên bố chung nhấn mạnh hợp tác liên Triều, trao đổi và giảm căng thẳng, song các thỏa thuận này đã bị "lụi tàn" sau khi có sự thay đổi chính quyền.

Quan điểm của hai phe đối lập

Những lời kêu gọi sự nhất quán về Chính sách tiếp tục được đưa ra khi lập trường của Seoul đối với Triều Tiên đã lung lay, giữa một bên là quan điểm cứng rắn của phe tự do, và một bên là quan điểm nhượng bộ của phe bảo thủ.

Đảng cầm quyền đã chỉ trích LKP về việc phản đối tuyên bố sau cuộc gặp thượng đỉnh trên. Bà Choo Mi-ae, Chủ tịch đảng cầm quyền, phát biểu trong một cuộc họp với các quan chức cao cấp trong đảng:

"Dường như LKP vẫn theo lối cũ giành lợi thế chính trị nhờ các vấn đề an ninh. Giờ đây, chúng ta đang ở bước khởi đầu của một hành trình dài hướng tới việc thực hiện tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, phi hạt nhân hóa và xây dựng một nền hòa bình. Đảng Dân chủ sẽ nỗ lực hơn nữa để đảm bảo rằng Tuyên bố Bàn Môn Điếm lịch sử sẽ được thực hiện một cách êm đẹp".

Bà Lee Jeong-mi, lãnh đạo Đảng Công lý nhỏ hơn, cũng đã chia sẻ với quan điểm của bà Choo. Bà nói:

"Nếu LKP kích động xung đột và đối đầu đồng thời tiếp tục chỉ trích Triều Tiên thì đảng này sẽ đối mặt với sự phản ứng của dân chúng. Nhiệm vụ đầu tiên là phải hợp tác về chính trị để đảm bảo việc Quốc hội phê chuẩn Tuyên bố Bàn Môn Điếm".

Tuy nhiên, LKP vẫn tiếp tục phản đối. Hạ nghị sĩ Kim Sung-tae, lãnh đạo LKP trong Quốc hội Hàn Quốc, phát biểu trong một cuộc họp của đảng này:

"Mặc dù tuyên bố này được che đậy bằng lời lẽ chính trị, song việc Triều Tiên từ bỏ kho vũ khí hạt nhân hay mở cửa bằng cách thay đổi chính sách là không đúng. Chúng tôi rất hoan nghênh cuộc gặp thượng đỉnh vì nó đánh dấu một bước ngoặt mới trong quan hệ liên Triều, song chúng tôi vẫn phải cảnh giác cho tới khi bản lộ trình phi hạt nhân hóa được hoàn tất".

Hiện nay, đảng cầm quyền, đảng Công lý và một số nghị sĩ của đảng Bareunmirae ủng hộ đề xuất Quốc hội phê chuẩn Tuyên bố trên. Vì vậy, các nhà quan sát chính trị cho rằng đảng cầm quyền có thể tổ chức một cuộc bỏ phiếu về việc phê chuẩn Tuyên bố mà không cần sự ủng hộ của LKP.

Tuy nhiên, việc đẩy LKP ra khỏi tiến trình phê chuẩn có thể gây bất đồng thêm trong các vấn đề lập pháp khác, trong đó có đề xuất của chính quyền xin bổ sung ngân sách và việc sửa đổi Hiến pháp bị trì hoãn từ lâu.

Việc phê chuẩn Tuyên bố trên cần có sự ủng hộ của đa số các nghị sĩ tham gia cuộc bỏ phiếu tại chỗ - tức là cần có sự chấp thuận của ít nhất một nửa trong tổng số 293 nghị sĩ Quốc hội.

Lãnh đạo hai nước Hàn-Triều đưa ra tuyên bố chung sau phiên họp chiều ngày 27/4
Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news