Trong hội thảo về thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng vừa tổ chức hội thảo tại Hà Nội, nhiều đại biểu cho rằng nên bỏ điểm sàn trong kỳ tuyển sinh năm 2016.
Tại hội thảo, các đại biểu khẳng định, phương án tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia để xét tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015 là hợp lý, giảm bớt được một kỳ thi, giảm tốn kém cho thí sinh. Đây là chủ trương đúng đắn, cần được tiếp tục triển khai trong năm 2016.Tuy nhiên, để kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2016 hoàn thiện hơn, một số đại biểu cho rằng Bộ GD-ĐT nên bỏ quy định điểm sàn trong năm 2016.
Giáo sư Trần Phương đề xuất bỏ điểm sàn trong kỳ tuyển sinh 2016. Ảnh: Zing |
Theo GS Trần Phương - nguyên Phó thủ tướng, Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ (Hà Nội), kỳ thi THPT quốc gia với mục đích “hai trong một” là sáng kiến hay. Kỳ thi đã đảm bảo hai yếu tố: Mục đích tốt nghiệp THPT đạt yêu cầu, phân loại được điểm để các trường CĐ, ĐH tuyển sinh.
Tuy nhiên, GS Trần Phương đề xuất, Bộ GD&ĐT không nên quy định điểm sàn trong xét tuyển. Tất cả thí sinh đã tốt nghiệp THPT đều có đủ trình độ theo học CĐ, ĐH.
GS Trần Phương cho rằng, quan điểm “phải qua điểm sàn mới học tốt” không đúng. Trong quá trình đào tạo, GS Phương nhận thấy, nhiều học sinh không đủ điểm sàn nhưng vẫn thành công, do học thêm ngoại ngữ để có cơ hội du học. Trong đó, ĐH Kinh doanh và Công nghệ đã cử hơn 1.000 học sinh không đủ điểm sàn, có bằng ngoại ngữ đến các trường chất lượng ở Đài Loan, Australia thu được kết quả học tập tốt, thậm chí đạt học bổng.
Điểm sàn cũng gây lãng phí thời gian khi sau mỗi đợt tuyển sinh, học sinh phải chờ điểm sàn, giảng viên ngồi chờ vì không có việc để làm.
Theo phân tích của GS Trần Phương, năm nay, Bộ GD&ĐT tính toán có khoảng 530.000 thí sinh đạt mức điểm sàn trở lên nhưng đã gần hết tháng 10, nhiều trường vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. ĐH Kinh doanh Công nghệ chỉ tuyển được 2.600/4.500 thí sinh.
Ý kiến của GS Trần Phương được nhiều thành viên dự Hội thảo thi tốt nghiệp, tuyển sinh ĐH, CĐ ủng hộ. Theo một số đại biểu kiến nghị Bộ không nên quy định điểm sàn trong xét tuyển đại học, cao đẳng. Tất cả thí sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông đều có đủ trình độ để theo học đại học, cao đẳng. Nhiều năm nay, do Bộ định ra mức điểm sàn nên nhiều thí sinh không đủ điều kiện vào học đại học, cao đẳng, trong khi các trường lại không tuyển đủ chỉ tiêu đào tạo. Bộ chỉ nên kiểm soát chất lượng đầu ra của các trường thay vì kiểm sóa chất lượng đầu vào như hiện nay.
Giáo sư Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục- Đào tạo) nói: “Điểm sàn chung chính là bằng tốt nghiệp phổ thông còn các trường muốn tuyển thế nào tùy họ, chúng ta không nên quy định điểm sàn làm gì. Nếu Bộ quy định nên quy định các trường ở top trên. Và các trường đại học muốn tuyển sinh chất lượng cao hay chất lượng thấp tùy theo mục tiêu của họ, nhưng có vấn đề họ đã tuyển sinh điểm nào họ phải công bố cho xã hội biết”.
Trước ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng cho biết, những đề xuất của đại biểu sẽ được Bộ nghiên cứu, chắt lọc để xây dựng phơnương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2016 tốt hơn.
Lê Vy (tổng hợp)