Tuy nhiên, phía gia đình cháu khai gian địa chỉ và cắt đứt liên lạc với bệnh viện. Họ không muốn nhận lại cháu vì hủ tục “không có hậu môn sẽ mang lại điều xui xẻo...”.
Cháu bé mắc chứng bệnh không có hậu môn bẩm sinh khiến bụng phình to không tiểu tiện được nên mới một tuần tuổi đã phải nhập viện trong tình trạng nguy cấp. Sau khi được phẫu thuật và lắp ghép hậu môn nhân tạo, sức khỏe cháu trở lại bình thường. Tuy nhiên, phía gia đình cháu khai gian địa chỉ và cắt đứt liên lạc với bệnh viện. Họ không muốn nhận lại cháu vì hủ tục “không có hậu môn sẽ mang lại điều xui xẻo...”.
Bỏ rơi con trai vì hủ tục
Sau khi sinh con được ít ngày, chị Nìm Ngọc Liên (dân tộc Hoa, ngụ tại xã Phú Bình, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) thấy con mình là cháu Nìm Cường bụng càng ngày càng phình to, sức khỏe yếu trong tình trạng nguy kịch. Quá hoảng hốt, chị Liên đưa con tới bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để cấp cứu.
Các bác sỹ cho biết, cháu bị dị tật không có hậu môn bẩm sinh cần phải được theo dõi điều trị một thời gian nữa. Sau khi hay tin, chị Liên cùng người nhà ra về, bỏ lại cháu Cường. Đến khi bệnh tình của cháu bé ổn định, bệnh viện gọi điện liên hệ để gia đình đón cháu về, nhưng không liên lạc được.
Uẩn khúc mẹ nhẫn tâm bỏ rơi con trai mới sinh tại bệnh viện. Trong ảnh, cháu Nìm Cường trong vòng tay của PV Hương Sen.
Thông tin với PV, đại diện khoa Phẫu thuật gây mê – hồi sức (bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai) cho biết: “Vào ngày 29/11/2014, cháu Cường lúc này chỉ mới một tuần tuổi, được mẹ là Liên đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng sức khỏe yếu, bụng phình to và ói ra dịch xanh. Qua thăm khám, thấy cháu Cường suy yếu, bụng phình to là do không có hậu môn. Để cứu sống cháu, các bác sỹ đã tiến hành điều trị bằng phương thức phẫu thuật thông hậu môn bằng đường ống, gửi mẫu đi sinh thiết”.
Theo đại diện khoa Phẫu thuật gây mê – hồi sức, sau hai lần phẫu thuật, hiện tại, việc đi tiểu của cháu đã bình thường, cháu đã ăn ngủ và tăng cân, sức khỏe tiến triển tốt.
Tuy nhiên, khi nghe các bác sỹ cho biết, cháu Cường sẽ phải theo dõi một thời gian ngắn nữa mới xuất viện được, thì gia đình đã bỏ cháu ở lại bệnh viện. Sau khi tạo đường hậu môn nhân tạo, chữa trị kịp thời cho cháu Cường xong, phía bệnh viện nhiều lần gọi điện cho gia đình lên đón cháu, nhưng không liên lạc được.
Sau đó, gia đình chị Liên gọi qua điện thoại và nói với phía bệnh viện dù cháu đã được chữa trị, nhưng người nhà từ chối nhận lại con. Chị Liên cho biết, cháu Cường không có hậu môn là điều kiêng kỵ trong dòng tộc, mang lại điềm xui xẻo cho gia đình, nên quyết định không đón cháu về.
“Mặc dù, các bác sỹ cũng đã giải thích, hiện tượng cháu không có hậu môn là một dị tật bẩm sinh hiếm gặp. Chỉ xảy ra 1/5.000 trẻ sơ sinh do trong quá trình mang thai, mẹ bị nhiễm virus hoặc dùng một vài loại thuốc kỵ thai. Việc gia đình bỏ rơi cháu vì suy nghĩ trên là không đúng và nhẫn tâm, song gia đình vẫn cương quyết không nhận lại con”, vị đại diện khoa Phẫu thuật gây mê – hồi sức đau xót nói.
Bà mẹ khai gian địa chỉ
Sau ba tháng điều trị, sức khỏe của cháu bé đã phát triển bình thường. Hiện tại, bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đang hoàn thành thủ tục để gửi cháu Cường vào Trung tâm Huấn nghệ cô nhi, nơi nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật của tỉnh Đồng Nai.
Ngày 4/3, có mặt tại Trung tâm, PV nhận thấy cháu vô cùng đáng yêu, với khuôn mặt tươi tắn. Cháu ít khóc và rất ngoan. Nhìn cháu bé, ai cũng lên án người mẹ và gia đình đã vì những hủ tục lạc hậu mà nhẫn tâm bỏ rơi cháu như vậy.
Trước sự bức xúc của dư luận, PV liên hệ qua số điện thoại mà người nhà cháu Cường cung cấp cho bệnh viện. Đầu dây bên kia, một người phụ nữ bắt máy và cho biết, mình là mẹ của cháu Cường, nhưng không thể nhận nuôi lại cháu vì cháu không có hậu môn. Theo như phong tục của dòng họ chị, thì việc cháu Cường không có hậu môn là một điều xui xẻo. Nó không chỉ ảnh hưởng đến gia đình, mà còn cả dòng họ. Vì vậy, gia đình và dòng họ không chấp nhận điều này.
Sau cuộc điện thoại, người phụ nữ đầu dây bên kia tắt máy. Sau đó, PV đã tìm về địa chỉ mà chị Liên đã khai tại bệnh viện là ở xã Phú Bình. Trao đổi về vụ việc này, ông Nguyễn Công Trì (Chủ tịch UBND xã Phú Bình, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) cho biết: “Những ngày qua, một số cơ quan chức năng, bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã liên hệ với UBND xã để tìm hiểu về gia cảnh của chị Liên bỏ rơi đứa con và khuyên răn gia đình nhận lại cháu. Tuy nhiên, kỳ thực người phụ nữ tên Liên đó không hề có ở địa phương. Trước thông tin trên, cán bộ hộ tịch UBND xã đã kiểm tra sổ giấy nhưng không phát hiện nhân khẩu nào tên Nìm Ngọc Liên...”.
Mẹ bỏ rơi con sẽ bị xử lý hình sự Ở góc độ pháp luật, luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM) cho biết: Tại Điều 94 Bộ luật Hình sự quy định: “Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ đứa trẻ đó dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm và bị xử lý hình sự tùy theo mức độ nghiêm trọng theo quy định của pháp luật”. Theo đó, Công ước quốc tế về quyền trẻ em đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua năm 1989 cũng nêu rõ, mọi trẻ em sinh ra đều có quyền được sống, được chăm sóc, nuôi dưỡng trước cũng như sau khi ra đời. Các bậc cha mẹ là những người chịu trách nhiệm chính trong việc nuôi nấng và giáo dục con cái của mình, cung cấp cho các em cơm ăn, áo mặc...”. |
Theo Hạ Du - Hương Sen/Đời sống và Pháp luật