Chỉ số “đột xuất” chưa chính xác
Trước băn khoăn về cách đo lường chỉ số và tính toán mức độ ô nhiễm không khí Hà Nội những ngày qua, GS.TS Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch hội Môi trường đô thị và công nghiệp nhận định: “Vấn đề ô nhiễm không khí không cố định, thay đổi liên tục. Vì vậy, nếu thấy một số liệu cao vọt lên mà “làm ầm lên” rồi hoang mang thì cũng không đúng.
Tiêu chuẩn để đánh giá mức độ ô nhiễm không khí phải được đánh giá trung bình ngày, trung bình tháng hoặc trung bình năm. Vì không khí không có tính ổn định nên phải lấy trung bình, chứ việc lấy số liệu “đột xuất” để đánh giá toàn bộ là chưa chính xác”.
“Chẳng hạn, đo lường đúng lúc gió thổi bụi mịn lùa vào, hay tại nơi có lưu lượng giao thông dày đặc, tắc đường thì lượng khói bụi tăng cao, đó không phải con số đại diện cho toàn thành phố.
Thứ hai, số liệu vừa qua công bố được là đánh giá là ô nhiễm nặng, nếu nguy hiểm như các thành phố khác trên thế giới. Nếu ở mức độ báo động nguy hiểm, nhà nước ít nhất đã cho học sinh nghỉ học, có các biện pháp bảo vệ an toàn sức khỏe của người dân”, ông phân tích.
Ứng dụng AirVisual đã quay trở lại sau 2 ngày "ở ẩn".
PGS.TS Trần Yêm, trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Môi trường cho rằng: “Đánh giá mức độ ô nhiễm không khí không nên nói chung trên phạm vi rộng như vậy, chỉ nên mang tính cục bộ, tại khu vực nào, mới chính xác.
Có thể, tại những con đường ách tắc, lưu lượng giao thông lớn thì mức độ ô nhiễm sẽ cao hơn, nhưng cách xa đó thì không khí lại sạch hơn. Thậm chí, tại cùng một địa điểm, nhưng tùy thuộc độ cao, hay tùy thời điểm trong ngày, khi đo cũng cho những chỉ số khác nhau”.
“Tôi nhận thấy, việc người dân có đổ xô đi mua các thiết bị lọc khí lắp đặt tại gia đình hay khẩu trang dạng mặt nạ,… cũng không giải quyết được gì. Tại sao không chủ động từ những hành động giảm thiểu ô nhiễm. Nếu nguyên nhân một phần từ phương tiện giao thông, bây giờ khuyên giảm thiểu ô tô có ai chịu bỏ ô tô không?
Trước đây, những năm 80, tôi ở Bangkok, đi ra đường một lúc về nhà đã khó thở lắm, còn ở Hà Nội, tôi chưa thấy “ghê gớm” như vậy. Khi thời tiết giao mùa thì mọi người ra đường cảm thấy khó chịu, như những ngày qua có mưa, không khí lại dễ chịu bình thường”, ông chia sẻ.
Chỉ tham khảo bên cạnh thông tin chính thống
Chủ tịch hội Môi trường đô thị và công nghiệp Phạm Ngọc Đăng cũng nhấn mạnh: “Việc nhận định mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội “đứng đầu trên thế giới” là không đúng, mục đích chỉ là gây ra sự chú ý. Để đánh giá chính xác phải dựa trên chỉ số đo tại nhiều địa điểm, chỉ số trung bình thời gian,…
Theo tôi, đánh giá của sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội là chính xác nhất, người dân nên tin tưởng số liệu đo lường của nhà nước. Không thể đo chất lượng không khí chính xác được thông qua ứng dụng trên điện thoại được”.
PGS.TS Trần Yêm cũng cho rằng: “Thực tế hiện nay, theo tôi được biết, các thiết bị đo mà ai cũng có thể đo được này cũng chưa được chuẩn hóa. Nếu muốn sử dụng, cần có thông báo chính thức từ các cơ quan chức năng công bố và có trách nhiệm với thông tin. Hiện tại, theo tôi, những chỉ số trên ứng dụng đó chỉ nên dùng để tham khảo.
Người dân nên quan tâm đến các chỉ số đánh giá từ các trạm quan trắc của nhà nước, những số liệu và đánh giá chính thống. Để đánh giá ô nhiễm không khí ở Hà Nội, cần có sự đo đạc quan trắc dài hơi, phát biểu cần phân vùng rõ ràng. Hiện tại, cơ bản có hai hệ thống quan trắc chính thống ở Hà Nội, một của Tổng cục Môi trường và một của UBND TP.Hà Nội, đang vận hành 10 trạm.
Để có số liệu chính xác thì phải đảm bảo đồng thời nhiều yếu tố như mua thiết bị đúng hãng, lắp đặt và vận hành đúng quy trình... Nếu chỉ một khâu sai sót thì số liệu sẽ không đảm bảo độ tin cậy.
Nếu đo dọc theo các tuyến đường có lưu lượng xe nhiều, chỉ số đo được cao, còn các khu vực khác, ô nhiễm bụi mịn không đến mức đó, nên kết luận cụ thể từng khu vực còn không thể khẳng định toàn bộ, như vậy là thiếu khách quan!”.
Giải pháp khắc phục ô nhiễm không khí Hà Nội
Chia sẻ về vấn đề này, GS.TS Phạm Ngọc Đăng khẳng định: “Trước tiên, để giải quyết được vấn đề ô nhiễm bụi của Hà Nội hiện nay thì phải xác định được nguồn gốc phát sinh.
Theo tôi, nguồn gốc phát sinh bụi mịn của Hà Nội từ 6 nguồn chính sau: phát thải của hệ thống giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch; tốc độ quy hoạch xây dựng đô thị quá nhanh, quản lý kém; đun nấu sinh hoạt, nhiều gia đình và quán ăn sử dụng than tổ ong; vệ sinh môi trường Hà Nội kém; đốt rơm rạ ở ngoại thành; nguồn thải từ sản xuất, mặc dù di chuyển được nhiều nhà máy ra khỏi nội đô, nhưng bụi ông khói cao lan tỏa rất xa nên vẫn ảnh hưởng đến nội đô.
Phải tập trung giải quyết 6 nguồn thải chính này. Chẳng hạn, đối với hệ thống giao thông, cần kiểm tra chất lượng phương tiện giao thông theo quy định trước khi vận hành, phát triển giao thông công cộng,… Tất cả đều có biện pháp, nhưng đòi hỏi chính quyền và cơ quan quản lý tích cực, người dân hưởng ứng”.
GS.TS Phạm Ngọc Đăng cho rằng Việc nhận định mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội “đứng đầu trên thế giới” là không đúng, mục đích chỉ là gây ra sự chú ý.
PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, nguyên Viện trưởng viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, trường đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho biết: “Chúng ta có thể theo dõi số liệu mà Cổng thông tin quan trắc môi trường, UBND TP.Hà Nội đã công bố, theo đó, nồng độ trung bình giờ của bụi PM2.5 (bụi mịn có kích thước nhỏ hơn 2,5 µm) đã nhiều lần vượt quy chuẩn 24 giờ và kéo dài trong nhiều ngày qua.
Tuy nhiên, để đưa ra được so sánh mức độ ô nhiễm không khí giữa các thành phố cần phải có nghiên cứu trong thời gian dài, trên một hệ quy chiếu nhất định chứ không thể chỉ dựa vào số liệu của một thời điểm”.