Theo Ths. Lê Hồng Dũng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia, vải là một loại quả có giá trị dinh dưỡng cao và là loại trái cây ngon được nhiều người ưa thích vào mùa hè. Về mặt dinh dưỡng, 100g cùi vải có chứa khoảng 15 gam đường, 36 mg vitamin C (tương đương lượng vitamin C trong quả cam), ngoài ra còn chứa một số vitamin khác như B1, B2, B6, niacin, folate và chất khoáng quan trọng như magie (10 mg), kali (171 mg), đồng (148 mg), selen (0,6 mg).
Nghiên cứu của Đại học Zhejiang Gon Shang và Đại học Tứ Xuyên (Trung Quốc) cũng cho thấy: Trong quả vải thiều chứa chất flavonoid có tác dụng rất tốt trong việc phòng ngừa nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ.
Tuy nhiên, trong cùi quả vải thiều có nhiều đường glucoza, nếu ta ăn nhiều một lượng lớn vải tươi một lúc có thể khiến lượng lớn đường glucoza vào máu vượt quá khả năng hấp thu chuyển hóa của gan.
Một số đối tượng người tiêu dùng không nên ăn nhiều vải thiều.
1. Người bị tiểu đường
Vải thiều không phải là hoa quả được khuyến khích cho người bệnh tiểu đường. Sách thuốc cổ có ghi: “Thường xuyên ăn vải sẽ bổ não, ích trí, khai vị, lợi tỳ, rất tốt cho người mới ốm dậy, suy nhược, gầy yếu; dưỡng da làm đẹp nhan sắc, chữa được nhiều bệnh…”.
Tuy nhiên, vì hàm lượng đường cao nên ăn nhiều dễ làm tăng đường huyết nhanh, điều này rất không có lợi cho những người bị bệnh tiểu đường.
2. Người máu nóng, nhiệt miệng…
Vải thiều là loại hoa quả nổi tiếng có tính nóng. Khi cơ thể bị nóng trong, ăn vải thiều sẽ khiến mụn hay những vết ban đỏ xuất hiện, thậm chí sẽ dẫn tới các phản ứng xấu như tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt, chân tay bủn rủn.
Ngoài ra, những người có các bệnh dễ nhiễm cảm, người đang mắc bệnh có đờm, người đang bị thủy đậu, mụn nhọt, rôm sảy, chắp lẹo mắt … cũng nên hạn chế mức tối đa việc ăn vải thiều.
3. Thai phụ từng mắc chứng tiểu đường, thừa cân
Theo kinh nghiệm của người xưa thì vải là loại quả ngọt, ăn vào giúp cho dung nhan đẹp hơn. Tuy nhiên, không nên vì thế mà chị em ăn vải một cách thoải mái, “vô tội vạ” bởi quả vải có hàm lượng đường rất cao, không tốt cho những thai phụ đã từng mắc bệnh tiểu đường cũng như chứng thừa cân.
4. Người hay váng đầu, buồn nôn
Ăn nhiều vải, lượng đường glucoza tăng đột biến, cơ thể phản ứng, tiết insulline tăng lên để làm hạ nồng độ đường trong máu xuống, gây phản ứng đường máu thấp còn gọi là triệu trứng "say vải". Biểu hiện thường gặp là váng đầu, buồn nôn, ra mồ hôi lạnh, nóng…
5. Trẻ em
Vải là loại hoa quả ngọt, dễ ăn, có tác dụng chữa bệnh tốt. Tuy nhiên, không nên ăn quá nhiều trong một lúc, có thể gây nóng, rối loạn chuyển hóa đường trong cơ thể, gây hiện tượng dị ứng.
Đặc biệt, với trẻ em, hệ tiêu hóa còn yếu, dó đó bạn cần cho bé ăn một lượng vừa phải, không nên chiều con mà để bé ăn quá nhiều khiến bé bị bệnh. Mỗi lần chỉ nên cho bé ăn khoảng 100g vải tươi (khoảng 5 - 6 quả).
Lưu ý: Những trường hợp không nằm trong nhóm người trên thì cũng không nên ăn quá nhiều vải một lúc. Quả vải bổ sung một lượng nước cho cơ thể, có lợi cho dạ dày. Tuy nhiên, vải thiều được xếp vào những loại quả không nên ăn nhiều vào mùa hè, ngay cả đối với người bình thường.