Nhiều nước trên thế giới và trong khu vực đã có những quy định chặt chẽ nhằm trừng phạt các hành vi ngược đãi, hành hạ chó mèo và các loài động vật khác.
Đài Loan (Trung Quốc)
Đài Loan trở thành nơi đầu tiên ở châu Á cấm tiêu thụ thịt chó mèo khi người nuôi chó mèo trên khắp hòn đảo bắt đầu thay đổi thái độ với những loài động vật này.
Nếu vi phạm, đạo luật Bảo vệ Động vật sửa đổi sẽ phạt 250.000 đô la Đài Loan (khoảng 186 triệu đồng) với mỗi hành động ăn thịt chó hoặc mèo. Ngoài ra, các hình phạt đối với hành động tàn nhẫn hoặc giết mổ động vật được nâng lên đến hai năm tù và phạt tiền lên đến 2 triệu đô la Đài Loan (gần 1,5 tỷ đồng).
Những người phạm tội liên tiếp có thể bị phạt đến 5 năm tù và phải đối mặt với khoản tiền phạt cao hơn. Thậm chí, những người phạm tội cũng có thể bị chính quyền công khai danh tính và hình ảnh với công chúng để răn đe.
Người Hàn Quốc biểu tình phản đối việc ăn thịt chó. Ảnh: Yonhap |
Hàn Quốc
Từ lâu thịt chó đã trở thành món ăn quen thuộc của người Hàn Quốc với khoảng 1 triệu con chó bị giết hại mỗi năm. Tuy nhiên số người ăn thịt loài động vật này hiện đã giảm xuống vì ngày càng có nhiều người Hàn Quốc coi chó là người bạn thân thiết nhất.
Mặc dù chưa có luật cấm ăn thịt chó, nhưng nhà chức trách Hàn Quốc đã đề ra những quy định hoặc những đạo luật về việc cấm giết mổ loài động vật này tại các trang trại hoặc những nhà hàng trước khi diễn ra những sự kiện có tầm cỡ quốc tế như Olympic mùa Đông Pyeongchang 2018.
Luật pháp hiện nay của Hàn Quốc quy định hành vi buôn bán, giết mổ thịt chó là bất hợp pháp. Luật Bảo vệ Động vật năm 2007 của Hàn Quốc nhấn mạnh: “Hành vi giết hại động vật tàn bạo như treo cổ, hoặc giết thịt nơi công cộng, trước mặt các đồng loại của con vật đều bị nghiêm cấm”.
Nếu bị phát hiện ăn thịt chó, người dân có thể bị phạt lên tới hàng trăm triệu đồng. |
Úc
Còn tại Úc, mặc dù nước này không có một đạo luật bảo vệ động vật áp dụng chung trên toàn quốc, song các bang đều có những quy định riêng để đảm bảo quyền được đối xử nhân đạo của các loài động vật nói chung và chó mèo nói riêng, và nhiều người đã ví von rằng ở Úc, chó mèo còn được ưu tiên hơn đàn ông và chỉ đứng sau phụ nữ.
Mỗi bang của Úc lại có những chế tài riêng để trừng phạt các hành vi đối xử bất công, tàn nhẫn, phi nhân đạo đối với động vật, tuy nhiên tất cả đều có điểm chung là án tù và tiền phạt. Mức án tù tối đa đối với những hành vi đối xử tàn nhẫn với động vật có thể lên tới 5 năm (như ở bang New South Wales và bang Tây Úc), còn mức phạt tiền có thể lên tới 100.000 đô-la Úc đối với cá nhân và 500.000 đôla đối với tập thể (như ở bang Queensland).
Trang Vũ (tổng hợp)