Vì sao người Nhật lại đứng sang một bên khi đi thang cuốn
Vào một ngày đẹp trời, bạn đến trung tâm thương mại ở Tokyo để mua sắm, và rồi sau một hồi tìm tòi khám phá, bạn nhìn thấy món đồ mình yêu thích nằm trên tầng 2 của tòa nhà. Tiến đến bên chiếc thang cuốn, bạn sốt ruột và thậm chí là bực bội khi hàng dài người phía trước cứ đứng xếp hàng dọc nhau, trong khi một phần cầu thang vẫn rất thông thoáng. Bạn lắc đầu không hiểu vì sao người ta phải làm khổ bản thân mình như vậy!
Đó chính là cảm giác của nhiều người ngoại quốc khi mới tới Nhật Bản thăm thú và du lịch. Nhiều du khách sẽ bắt gặp cảnh tượng kì lạ ấy ở bất cứ siêu thị hay trung tâm mua sắm nào tại xứ sở Mặt trời mọc. Ở mỗi chiếc cầu thang cuốn, người dân sẽ tự giác đứng sang một bên để lại khoảng trống ở phần còn lại. Cho dù đó là thang cuốn hướng lên trên hay xuống dưới, việc xếp hàng đều được thực hiện một cách tuần tự, không hề có bất cứ ngoại lệ nào.
Người dân Nhật Bản có thói quen chỉ đứng một bên khi lên thang cuốn
Vậy điều gì tạo cho họ thói quen như vậy? Nếp sống văn minh này được bắt nguồn từ thời kỳ phong kiến ở Nhật Bản, khi Nhật Hoàng còn trị vì. Thủ đô Tokyo khi xưa, được gọi là Edo vào thời điểm đó, ngập tràn hình ảnh các samurai đi trên đường, một tay nắm lấy thanh kiếm katana giắt bên hông trái. Và để tránh bất cứ sự va quệt nào giữa các lớp vỏ bao kiếm với nhau khi toán các lớp samurai hành quân ngược chiều nhau, chiến binh samurai sẽ có thói quen đi lệch về phía bên trái đường để giấu thanh kiếm của mình vào bên trong.
Từ đó, dần dần văn hóa giao thông ở Nhật Bản cũng hình thành nhiều đặc điểm giống với nước Anh xa xôi, khi xe cộ được chạy bên làn đường bên trái, cũng như vô-lăng ô tô được thiết kế lệch hẳn về bên phải để tiện điều khiển. Và không chỉ có xe cộ, ảnh hưởng của samurai cũng tác động đến cách đi bộ của mọi người. Thang cuốn, vì thế, không phải là một ngoại lệ. Thế nhưng, điều kỳ lạ lại nằm ở chỗ tại sau họ phải phung phí một nửa bậc thang để làm gì?
Poster của Nhật Bản nhằm khuyến khích văn hóa xếp hàng sang một bên khi đi thang cuốn
Câu trả lời là bởi vì người Nhật thường đi bộ đến công sở nên tần suất sử dụng thang cuốn rất cao. Do lượng người đi làm đông và thường tập trung vào một khung giờ cố định nên nhiều điểm dẫn tới tàu điện ngầm hay xe buýt đều rất đông đúc. Tại những địa điểm đông đúc người qua lại như các bến tàu điện ngầm, trung tâm thương mại, việc di chuyển nhanh chóng là điều vô cùng quan trọng, để tránh việc bị trễ giờ làm.
Chính vì thế nên bằng cách đứng dạt sang một bên, những người có công việc gấp có thể nhanh chóng chạy lên hoặc chạy xuống thang cuốn một cách dễ dàng mà không va chạm hay bị ai đó chắn đường. Đây thực sự là một nét đẹp văn hóa cần được lan toả sang các quốc gia khác trên thế giới.
Cách xếp hàng đi thang cuốn của người Nhật cũng thật khác nhau!
Việc đứng dạt sang một bên kì thực cũng ẩn chứa nhiều sự khác biệt, liên quan mật thiết đến yếu tố lịch sử lẫn phong tục của địa phương. Sự khác biệt rõ nét nhất có lẽ nằm ở vùng Kanto, với sự có mặt của thủ đô Tokyo, và vùng Kansai nằm ở phía đông với thủ phủ là Osaka cùng với cố đô Kyoto.
Ở khu trung tâm hành chính cấp cao nhất của đất nước, người dân thường có thói quen xếp hàng lệch về bên trái khi lên thang cuốn. Trong khi đó, tại thành phố cảng Osaka, nếu bạn là khách du lịch nhưng lại chọn đứng về phía bên trái như khi còn ở thủ đô thì chắc chắn bạn sẽ không tránh được những cái ánh mặt nghi ngại của người dân bản địa.
Người dân Tokyo thường xếp hàng ở bên trái của thang cuốn
Một lần nữa, cách lý giải duy nhất cho sự khác biệt này lại đến từ giai đoạn phong kiến thời xưa ở Nhật Bản. Như đã nói ở trên, dân cư Tokyo phần lớn đều có gốc gác samurai nên họ ưu tiên lựa chọn lề đường bên trái để tránh việc thanh kiếm giắt bên hông trái có thể quệt phải người bên kia đường.
Còn ở Osaka, một thành phố cảng sôi động với hoạt động giao thương tấp nập, người ta sẽ ít thấy bóng dáng của những chiến binh samurai lực lưỡng. Thay vào đó sẽ là những thương nhân, những tay cửu vạn chuyên vận chuyển và bốc vác hàng hóa. Với đặc thù là sử dụng tay phải để cầm nắm và bê đỡ hàng hóa chuyển từ cảng xuống, việc di chuyển lệch sang phải sẽ tránh cho họ những sự va chạm không đáng có với người đi theo hướng ngược lại.
Người dân ở thành phố Osaka, Nhật Bản lại thường đứng về bên phải khi đi thang cuốn
Vì thế, để tránh những hiểu nhầm không đáng có, du khách hãy nghiên cứu kĩ về từng địa điểm ở Nhật Bản trước khi thực hiện chuyến du lịch của mình, để không phải rơi vào tình trạng "muốn độn thổ" mỗi khi bước lên thang cuốn.
Nguồn: Tổng hợp từ Telegraph, Metropolis Japan, Washingtonpost