Cuối tuần trước tại Đối thoại Shangri-la ở Singapore,Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đã kêu gọi lực lượng hải quân châu Âu có sự hiện diện "thường xuyên và rõ ràng" tại khu vực, để duy trì luật biển và tự do hàng hải. Liệu châu Âu đang có những tính toán gì?
Kiềm chế Trung Quốc
"Nếu chúng ta muốn kiềm chế nguy cơ xung đột, chúng ta phải bảo vệ các nguyên tắc và tự mình làm việc đó", bộ trưởng quốc phòng Pháp phát biểu. Dù không nhắc trực tiếp đến Trung Quốc, nhưng có thể hiểu ngay Pháp đang muốn nhắc đế rằng Trung Quốc chính là nguyên nhân gây bất ổn ở Biển Đông, kiềm chế nguy cơ xung đột ở đây cũng chính là muốn kiềm chế Trung Quốc.
Ông Jean-Yves Le Drian. Ảnh: Reuters |
"Nếu luật biển không được tôn trọng tại các vùng biển gần Trung Quốc, thì sau này nó sẽ bị đe dọa ở Bắc Cực, ở Địa Trung Hải, hay ở nơi khác", ông Le Drian nói tại Đối thoại Shangri-La. Không phải ngẫu nhiên mà Pháp đưa ra lời kêu gọi trong bối cảnh tòa án thường trực trọng tài quốc thế (PCA) chuẩn bị đưa ra phán quyết cuối cùng của vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc về đường lưỡi bò phi lý của Trung Quốc tại biển Đông. Nhiều khả năng PCA đã đưa ra một phán quyết có lợi cho phía Trung Quốc.
Việc Pháp "rào trước" về nguy cơ Trung Quốc có thể chống lại phán quyết cho thấy ngày càng có nhiều nước lớn trên thế giới lo ngại về sự "phá rào" của Trung Quốc. Ở đây, chuyện Trung Quốc thách thức phán quyết của PCA chỉ là một phản ánh của việc Trung Quốc có tham vọng phá vỡ trật tự thế giới hiện đại đang nghiêng về phía Mỹ và các đồng minh Châu Âu để thiết lập một trật tự mới có sự ảnh hưởng lớn hơn của mình. Khi trật tự ấy đảo lộn, sẽ kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng về kinh tế, chính trị, xã hội.
Theo các chuyên gia, Trung Quốc khó giành được chút ảnh hưởng nào của Mỹ trong tương lai gần, nhưng họ vẫn thể hiện sự công khai bất đồng với Mỹ trong nhiều vấn đề chỉ là một cách để "nghi binh". Trung Quốc đang nhắm đến "đối thủ" thực sự là các nước châu Âu vốn đang có nhiều rệu rã. Đây là một toan tính rất chiến lược của Trung Quốc, họ không thể đối đầu trực tiếp với Mỹ, nhưng họ có thể làm suy yếu đồng minh quan trọng nhất của Mỹ: châu Âu.
Đặc biệt trong bối cảnh hiện tại, sự rệu rã nhất của châu Âu là trong vấn đề kinh tế. Nắm được điểm này, có vẻ như Trung Quốc đang muốn biến những lợi ích kinh tế họ mang lại cho châu Âu thành một quân bài chính trị.
Đó là lí do vì sao châu Âu không thể không để tâm đến các vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Trước giờ, do đang gặp phải các bất ổn liên quan đến nội bộ, châu Âu thường tránh đưa ra các quan điểm đối đầu trực tiếp với phía Trung Quốc. Lời kêu gọi của Pháp mới đây cho thấy quan điểm của châu Âu về Trung Quốc đã thay đổi và họ không thể ngồi yên. Qua đó, đánh dấu thêm một nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết vấn đề Biển Đông.
Làm hài lòng Mỹ và các đồng minh
Việc EU tham gia nhiều hơn ở Biển Đông là điều mà Mỹ đã hy vọng từ lâu, Mira Rapp-Hooper, một thành viên cao cấp tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ, nhận xét.
"Thời gian Pháp đưa ra lời kêu gọi cũng cho thấy chính phủ Liên minh châu Âu (EU) đang ra mặt ủng hộ phán quyết của tòa trong vài tuần tới", bà nói.
EU đang rất cần sự hậu thuẫn lớn hơn nữa của Mỹ. Ảnh: Getty |
Đã từ lâu, Mỹ luôn "phàn nàn" về các đồng minh châu Âu của mình trong việc thiếu đi "sự hỗ trợ nhiệt tình" với Mỹ trong các vấn đề quốc tế. Đặc biệt là những vấn đề có liên quan đến quân sự. Trong bối cảnh hiện tại, khi cuộc khủng hoảng tị nạn đang xảy ra tại châu Âu, nguy cơ khủng bố , các vấn đề về kinh tế,...đang đe dọa đến Lục Địa Già, sự hỗ trợ của Mỹ là không thể thiếu đi và việc đồng ý tham gia vào vấn đề biển Đông là một thể hiện không thể tốt hơn cho thiện chí muốn làm nóng hơn nữa quan hệ đồng minh từ thế chiến thứ 2.Châu Âu cần Mỹ để duy trì vị thế, Mỹ thì không muốn đồng minh thân cận nhất của mình suy yếu, đây là mối quan hệ có lợi cho cả hai phía.
Ông Le Drian, bộ trưởng Pháp cho biết ông sẽ sớm cung cấp thêm chi tiết về đề nghị của mình cho việc tuần tra thường xuyên của lực lượng hải quân châu Âu. Nhưng sự tham gia của Pháp trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương không chỉ mang tính lý thuyết. Họ đã ký thỏa thuận 40 tỷ USD vào năm nay để bán tàu ngầm tiên tiến cho Australia, với lý do lo ngại tăng lên về an ninh khu vực. Lí do vì sao Pháp nghĩ đến Australia chỉ sau Mỹ là vì Australia sẽ là một trong những nước bị đe dọa trực tiếp lớn nhất với sự trỗi dậy của Trung Quốc trên biển.
Đó là minh chứng rõ ràng nhất cho việc châu Âu không chỉ muốn thân thiết trở lại hơn với Mỹ mà họ còn muốn nhắm đến những đồng minh khác của mình. Những người sẽ góp phần hỗ trợ châu Âu vượt qua những khó khăn hiện tại với vai trò khách hàng hoặc đồng minh chính trị. Những đồng minh như Australia còn giúp châu Âu giải quyết phần nào căn bệnh "phụ thuộc Mỹ".
Các lãnh đạo Trung Quốc đang muốn "lấy lại thanh danh sau một thế kỷ nhục nhã", ám chỉ đến việc Trung Quốc bị các đế quốc châu Âu xâm chiếm từ thế kỷ 18, cuối đời nhà Thanh (còn được biết đế với cái tên chiến tranh Nha phiến). Nhưng với những tham vọng quá lớn của mình, chính phủ Trung Quốc lại đang kéo sự xuất hiện của châu Âu trở lại.
Quý Vũ (Reuters)