(Tinmoi.vn) Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, lực lượng cảnh sát biển Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm ngư kiên quyết giữ vững chủ quyền, ngăn chặn hoạt động phi pháp của Trung Quốc.
Từ ngày 2, 3/5 cho đến hiện tại, Trung Quốc đã huy động 80 tàu các loại, trong đó có 7 tàu quân sự gồm tàu hộ vệ tên lửa 534 (Giang Hồ 2) và tàu tuần tiễu tấn công nhanh số hiệu 573 cùng 33 tàu hải cảnh, hải giám và các tàu vận tải, tàu cá; hàng ngày còn hàng chục tốp máy bay hoạt động, vào sát đảo lý sơn 60 hải lý để bảo vệ giàn khoan HD-981 đặt trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Giàn khoan HD-981 đặt trái phép của Trung Quốc trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam
Cảnh sát biển Việt Nam đã điều rất nhiều tàu ra để ngăn chặn hành động phi pháp của Trung Quốc. Trong khi thực thi nhiệm vụ, đã có một số tàu cảnh sát biển Việt Nam bị tàu Trung Quốc hung hãn tấn công.
Vào lúc 8h10' ngày 3/5, tàu hải cảnh số hiệu 044 của Trung Quốc đã đâm thẳng vào mạn phải tàu cảnh sát biển 4033 Việt Nam. Vị trí xảy ra vụ đâm tàu cách giàn khoan Trung Quốc 10 hải lý.
Tàu tuần tra cao tốc TT-400 của cảnh sát biển Việt Nam có lượng giãn nước 400 tấn, đây là phiên bản được nhà máy Hồng Hà đóng thử nghiệm cho lực lượng cảnh sát biển trước khi đóng tàu TT-400TP cho hải quân Việt Nam. Tàu TT-400 và TT-400TP có cùng chung khung thân chỉ khác về một chút về thiết kế thượng tầng và trang bị vũ khí (Trong ảnh: Tàu cảnh sát biển 4033 về cảng Tiên Sa (TP Đà Nẵng), để tiến hành sửa chữa)
Tàu TT-400 được trang bị nhiều thiết bị hiện đại và đồng bộ, tàu có khả năng hoạt động trong điều kiện sóng cấp 10, hiện nay cảnh sát biển Việt Nam có 4 tàu TT-400 mang số hiệu từ 4031-4034. Vũ khí trang bị trên tàu TT-400 có 2 pháo nòng đôi cỡ 25mm, 2 súng máy hạng nặng cỡ 14,5mm.
Trong ngày 4/5 vào lúc 8h30', tàu hải cảnh 44103 Trung Quốc đã chủ động đâm thẳng vào mạn trái tàu cảnh sát biển 2012 của Việt Nam. Dù tàu của Việt Nam tăng tốc vòng tránh, nhưng vẫn bị đâm thủng một đoạn đuôi tàu (rộng khoảng 1m2), làm hư hỏng một số trang thiết bị khác.
Tàu cảnh sát biển 2012 của Việt Nam là loại tàu TT-200. Theo quy tắc đánh số hiệu thì các tàu tuần tra TT-200 được đánh bắt đầu bằng số "20" và tiếp sau đó là 2 số theo thứ tự từ số 1 (ngoại trừ 2 tàu 2015 và 2016 không phải là tàu tuần tra TT-200) (trong ảnh là tàu CSB 2005 cùng loại với tàu CSB 2012).
Tàu tuần tra cao tốc TT-200 của cảnh sát biển Việt Nam có lượng giãn nước 200 tấn, đây là loại tàu tuần tra vỏ thép do Viện kỹ thuật hải quân thiết kế và đóng tại công ty đóng tàu Hải Long. Tàu TT-200 có thể hoạt động trong điều kiện sóng cấp 7, cấp 8 và chịu được sóng cấp 9, tầm hoạt động của tàu là 1.800 hải lý. Vũ khí trang bị trên tàu gồm 1 pháo 2 nòng cỡ 25mm, 2 súng máy hạng nặng cỡ 14,5mm.
Mới đây nhất, ngày 7/5, tàu hải cảnh mang số hiệu 2411 Trung Quốc đã đâm thẳng vào tàu cảnh sát biển 8003 của Việt Nam và sử dụng máy bay để uy hiếp các tàu của Việt Nam.
Trong số các tàu cảnh sát biển của Việt Nam tham gia ngăn chặn hoạt động phi pháp của Trung Quốc, tàu 8003 là con tàu có kích thước lớn nhất. Thông số kỹ thuật của tàu CSB 8003: chiều dài lớn nhất: 81,5m, chiều dài giữa 2 đường vuông góc: 75,0m, chiều rộng lớn nhất: 9,8m, chiều cao mạn: 5,8m, mớn nước đầy tải: 3,0m, lượng giãn nước đầy tải: 1.400 tấn. Công suất máy chính: 3.888Kw x 02, tốc độ thiết kế lớn nhất: 20,7 hải lý/giờ.
Tàu cảnh sát biển 8003 là con tàu lớn thứ 2 của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam (chỉ sau tàu 8001). Tàu được trang bị nhiều thiết bị hàng hải hiện đại, vũ khí trên tàu có 2 pháo nòng đôi cỡ 25mm cùng các súng máy hạng nặng cỡ 14,5mm.
Xem thêm: Ngày Apple tung ra iPhone 6 không còn xa
Thu Thủy (Tổng hợp)