Câu chuyện đầy xúc động được bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chia sẻ trên trang cá nhân về một cặp vợ chồng U70 đều là những bệnh nhân Covid-19 nặng và đang được điều trị tại Bệnh viện.
Đó là trường hợp của cụ ông T.N.L 72 tuổi và cụ bà T.T.A 71 tuổi, sống tại xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội. Ngày 15/7, hai ông bà nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2 và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông.
Đến ngày 2/8, sức khỏe của cụ bà chuyển biến xấu và được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cơ sở Đông Anh. Sau đó 4 ngày, cụ ông cũng chuyển đến viện này trong tình trạng phải thở oxy, bệnh diễn triến nặng.
Theo nhận định từ kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy phần lớn phổi bà A. đã tổn thương, khoảng phổi lành còn rất ít, chỉ số oxy trong máu quá thấp và phải đặt nội khí quản cấp cứu.
Đến chiều ngày 6/8, khi bác sĩ chuẩn bị đặt nội khí quản cho cụ bà thì đến lượt ông L. được chuyển vào khoa cấp cứu. Nhìn thấy chồng, người vợ lập tức bày tỏ nguyện vọng xin được nhường máy thở cho chồng. Lúc đó bà vẫn tỉnh táo, không quá khó thở nên vẫn cố gắng.
Các bác sĩ sau đó đã giải thích với mỗi bệnh nhân sẽ có cách điều trị khác nhau. Trường hợp của ông chưa cần phải thở máy mà vẫn tiếp tục theo dõi.
"Mặc dù được giải thích nhưng bà A vẫn chưa yên tâm. Các nhân viên y tế chỉ bà nhìn về nơi góc phòng máy, nói: "Bà yên tâm! Chúng cháu không thiếu máy thở. Chúng cháu sẽ cứu cả 2 ông bà. Thoáng chốc tôi thấy sự yên tâm trên nét mặt bà. Thuốc an thần cũng có tác dụng, bà đi vào giấc ngủ để các bác sĩ đặt ống nội khí quản", BS Thiện xúc động kể.
Bác sĩ Thiệu cũng bày tỏ, người phụ nữ đến cuối cùng vẫn chọn cách hi sinh cho gia đình, hi sinh cho chồng, cho con. Dù não đang thiếu oxy, dù thở không ra hơi thì bà vẫn thều thào cầu xin nhường máy thở cho chồng.
Thế nhưng bệnh tình ông L. bất ngờ trở nặng khiến sau đó ông phải đặt ống nội khí quản. May mắn thay, 2 ông bà đều thích ứng với phác đồ điều trị và phục hồi nhanh hơn. Ông L. được cai máy thở, dần tỉnh táo trở lại. Trong khi cụ bà vì dùng thuốc an thần nên vẫn chưa tỉnh hẳn, đến nay vẫn trong trạng thái kích thích mê man.
Nhìn người vợ trên giường bệnh, nước mắt ông lăn dài trên má. Tối ngày 12/8, khi được nữ điều dưỡng hỏi ông L. có nhắn nhủ điều gì đó với vợ không. Vì đang bị tổn thương thanh quản nên ông chỉ thều thào được vài tiếng. Nữ điều dưỡng liền đưa giấy bút, dặn ông viết ra những điều gửi tới vợ.
Lá thư nguệch ngoạc chỉ vài dòng chữ nhưng trong đó là cả tâm tình và sự lo lắng của người chồng: "71 năm. Cưới nhau, chưa giúp nhau được gì. Nay ai còn ai mất, nhờ người ở lại phải có trách nhiệm. Em ơi cố lên".
Bức thư sau đó được nữ điều dưỡng mang đến bên giường bệnh, đọc cho bà Hạnh nghe. “Bà vẫn nằm mê man, nhưng khi nghe điều dưỡng đọc xong bỗng chảy nước mắt. Hình ảnh ấy khiến chúng tôi rất xúc động”, bác sĩ Thiệu nhớ lại.
“Theo dõi, chăm sóc người bệnh thời gian rất dài, chúng tôi thay đổi tâm trạng theo từng tiến triển của bệnh nhân, thấy diễn tiến tốt lên một chút đã mừng lắm. Nhất là khi chứng kiến bệnh nhân lên xe cấp cứu, được trở về nhà, với chúng tôi là sự động viên lớn nhất”, bác sĩ Thiệu tâm sự.