Wang, một bà nội trợ, đã yêu cầu chồng bồi thường số tiền tương đương 24.700 USD sau khi anh ta đệ đơn ly hôn tại tòa án quận ở Bắc Kinh vào tháng 10/2020. Theo đó, Wang phải một mình chăm sóc con và việc nhà của hai vợ chồng còn chồng cô "hầu như không quan tâm hay làm bất kỳ việc nhà nào", Đài phát thanh quốc gia Trung Quốc (CNR) đưa tin .
Trong phán quyết của mình, tòa án đã chia đều tài sản chung và yêu cầu người chồng phải trả cho Wang khoảng 7.700 USD (khoảng 128 triệu đồng) là "tiền bồi thường việc nhà". Wang cũng được trao quyền giám hộ con trai và 300 USD tiền cấp dưỡng mỗi tháng, theo CNR.
Đây là phán quyết ly hôn đầu tiên theo bộ luật dân sự mới của Trung Quốc. Theo các chuyên gia pháp lý, luật mới sẽ bảo vệ tốt hơn cho quyền của các cá nhân. Có hiệu lực kể từ tháng Giêng, luật bao gồm một điều khoản cho phép vợ hoặc chồng yêu cầu người bạn đời bồi thường khi ly hôn để có trách nhiệm hơn trong việc chăm sóc con cái và người thân cao tuổi.
Phán quyết này được báo chí địa phương đưa tin lần đầu vào đầu tháng 2, đã trở thành chủ đề thịnh hành trên Weibo trong tuần này với một hashtag thu hút chú ý đến phán quyết của tòa. Tính đến thứ hôm nay, hashtag đã được xem hơn 500 triệu lần. Trong khi một số ý kiến hoan nghênh phán quyết này bởi đó là một sự công nhận đối với những công việc không tên tại nhà. Tuy nhiên, những người khác cho rằng số tiền này quá ít để trang trải cho 5 năm làm việc nhà và chăm sóc con cái.
Vai trò giới bất bình đẳng trong cuộc sống gia đình là chủ đề tranh luận của công chúng ở Trung Quốc trong những năm gần đây trong bối cảnh phong trào nữ quyền đang lên. Mặc dù trình độ học và tình trạng kinh tế của phụ nữ ngày một tăng nhưng các chuẩn mực giới và truyền thống gia trưởng vẫn chưa bắt kịp những thay đổi này. Phụ nữ vẫn phải đảm nhận hầu hết các công việc chăm sóc con cái và nội trợ sau khi kết hôn.
Luật ly hôn của Trung Quốc
Theo các chuyên gia pháp lý, việc bồi thường công việc nhà sẽ cung cấp sự bảo vệ bổ sung cho những người vợ/chồng phải đảm đương nhiều công việc nhà hơn và hy sinh cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp hoặc học vấn của họ.
"Đối với người phối ngẫu làm việc bên ngoài, sau khi ly hôn, họ vẫn có thể tận hưởng các nguồn lực, mối quan hệ và địa vị mà họ đã có và vẫn kiếm được mức thu nhập tương tự. Nhưng đối với người vợ/chồng đã nỗ lực lặng lẽ ở nhà, họ sẽ phải đối mặt với vấn đề quay trở lại (làm việc)", Long Jun, phó giáo sư luật tại Đại học Thanh Hoa, nói với đài truyền hình nhà nước CCTV. “Điều này có nghĩa là người nội trợ phải trả một khoản chi phí ẩn bên cạnh những nỗ lực mà họ đã bỏ ra trong suốt cuộc hôn nhân”, Long nói.
Quyền đòi bồi thường việc nhà trong thủ tục ly hôn không phải là một khái niệm mới trong luật pháp Trung Quốc. Năm 2001, bồi thường công việc nhà được bổ sung vào bản sửa đổi luật hôn nhân của Trung Quốc với điều kiện tiên quyết là luật này chỉ áp dụng cho các cặp vợ chồng đồng ý chia tài sản, trong đó mỗi bên vợ/chồng giữ độc quyền sở hữu tài sản có được trong thời kỳ hôn nhân. Tuy nhiên, trên thực tế, các chuyên gia pháp lý cho biết rất ít cặp vợ chồng Trung Quốc đạt được thỏa thuận chính thức để giữ tài của họ tách riêng biệt. Vì vậy hiếm khi vợ/chồng ly hôn đủ điều kiện để được tòa án chấp thuận bồi thường.
"Theo khảo sát của chúng tôi, chỉ có 3% đến 5% các cặp vợ chồng ở nước ta thực hiện việc chia tài sản", Xia Yinlan, giáo sư chuyên về luật hôn nhân tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc, nói với CCTV. Đó là lý do tại sao điều kiện tiên quyết đã bị loại bỏ trong bộ luật dân sự mới của Trung Quốc, Xia nói.
Hôn nhân đổ vỡ, ly hôn gia tăng
Trên Weibo, nhiều người dùng bày tỏ sự thất vọng khi Wang chỉ được bồi thường 7.700 USD sau khi cô dành 5 năm cuộc đời để chăm sóc gia đình, đặc biệt là ở thủ đô Bắc Kinh, nơi có mức chi phí sinh hoạt và thu nhập thuộc hàng cao nhất đất nước.
"Tôi chẳng còn gì để nói. Tôi cảm thấy công việc của một bà nội trợ toàn thời gian đã bị đánh giá thấp. Ở Bắc Kinh, thuê một vú em sẽ tốn hơn 50.000 nhân dân tệ mỗi năm", một bình luận nhận được nhiều ủng hộ.
"Đây là lý do tại sao những người trẻ tuổi không sẵn sàng kết hôn và sinh con. Cái giá quá đắt", một người khác nói.
Tỷ lệ kết hôn của Trung Quốc đã giảm mạnh kể từ năm 2013. Và chỉ trong 6 năm, số người Trung Quốc kết hôn lần đầu tiên đã giảm 41%, theo số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố. Trong khi đó, tỷ lệ ly hôn đã tăng gần 5 lần trong ba thập kỷ qua. Theo thống kê của chính phủ, có 0,69 vụ ly hôn trên một nghìn người vào năm 1990. Đến năm 2019, số liệu mới nhất có sẵn, con số đó là 3,36.
Feng Miao, thẩm phán chủ tọa phiên tòa ở Bắc Kinh, nói với CNR rằng số tiền bồi thường trong phán quyết này được quyết định dựa trên các yếu tố bao gồm mức thu nhập của người chồng và chi phí sinh hoạt ở thủ đô Trung Quốc. Hiện tại khi bộ luật dân sự mới có hiệu lực, thẩm phán hy vọng sẽ có thêm nhiều vụ việc liên quan đến yêu cầu bồi thường việc nhà. “Nhưng trong thực tế, chúng tôi vẫn cần tích lũy kinh nghiệm để làm thế nào để xác định số tiền bồi thường, bà Feng nói.
(Theo CNN)