Người đàn ông lạ đã tìm gặp chị Hồng- người phát hiện và nộp lại 5 triệu Yen cho công an, đưa một bức thư và tiền (5 triệu đòng) đề nghị chị trả lại 5 triệu Yen .
Mới đây, trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin, chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (ngụ quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh) cho biết, có một người đàn ông lạ mặt đã trực tiếp đến nhà tìm chị, đưa thư và tiền cùng lời đề nghị chị đưa toàn bộ số tiền 5 triệu yen để họ gửi trả lại cho… nước Nhật.
Theo chị Hồng, người đàn ông lạ này khoảng 40 tuổi. Người này tự xưng là nhân viên thuộc một công ty hoạt động "chiến lược doanh nghiệp" có trụ sở nằm ở Hà Nội. Sau khi gặp người đàn ông này, chị Hồng chỉ nhận lá thư, và gửi lại phong bì tiền trên.
Vụ 5 triệu Yen: Lá thư của người đàn ông lạ đề nghị chị Hồng trả tiền |
Trong nội dung bức thư gửi chị Hồng, người đàn ông lạ mặt này viết:
“Thân gửi Hồng!
Anh gửi Hồng số tiền ban đầu từ gia đình anh để chia sẻ với Hồng, trong lúc chờ đợi thêm từ phía bạn bè, các giám đốc công ty và các tổ chức khác tại Hà Nội. Anh cũng đã viết hai bài phân tích nhằm kêu gọi tinh thần mọi người cả nước cùng chung lòng quan tâm tới việc trả lại tiền cho Nhật Bản, qua việc này xây dựng hình ảnh một đất nước Việt Nam thông qua con người lao động cần cù và lương thiện như một thông điệp gửi tới bạn bè và thế giới”.
Chủ nhân thực sự của số tiền, có thể là một người làm ăn ở Nhật, tích góp tiền Nhật và mang về Việt Nam. Do đó, nếu không tìm được chủ nhân thực sự của số tiền, chúng ta hãy trả lại cho đất nước đã sản xuất ra số tiền này. Điều này sẽ giúp cho người Nhật Bản, đất nước Nhật Bản, hay rộng hơn là thế giới sẽ nhìn nhận đầy đủ hơn về con người Việt Nam, đất nước Việt Nam"....
Cuối cùng, người viết bức thư này mong muốn chị Hồng đưa toàn bộ số tiền cho ông ta để ông trả lại cho người Nhật. Theo đó người đàn ông và bạn bè của ông ta sẽ hỗ trợ số vốn lớn để chị Hồng làm ăn, đầu tư làm giàu.
Như tin tức đã đưa, cuối năm 2013 vợ chồng chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (35 tuổi, quê Quảng Ngãi, thuê trọ tại con hẻm trên đường Trần Văn Quang, phường 10, quận Tân Bình, TP.HCM) đã mua được một chiếc thùng loa đã cũ với giá 100 ngàn đồng của một người đàn ông lạ mặt. Tuy nhiên do thời điểm đó giá sắt rẻ nên chị để dành chưa mang đi bán kiếm lời.
Khoảng 15h ngày 21/3/2014 chị Hồng cùng chồng là Trịnh Minh Vượng (35 tuổi) đem chiếc loa ra đầu hẻm ngồi tháo dỡ ra để lấy sắt. Khi tháo dỡ chiếc loa, phát hiện bên trong có 1 chiếc hộp bằng gỗ ép, dài khoảng 20cm, rộng khoảng 15cm chứa đầy tiền giấy có chữ nước ngoài.
Khi biết được số tiền lớn lên đến hơn 5 triệu đồng yen Nhật, vợ chồng chị Hồng quyết định bàn giao cho công an chờ xử lý.
Theo quy định, hết hạn một năm kể từ ngày thông báo, nếu không có ai được xác định là chủ sở hữu thì số tiền này sẽ được định đoạt theo pháp luật.
Điều 239, Bộ Luật Dân sự quy định, người nhặt được tài sản thì không được quyền chiếm hữu, mà phải có nghĩa vụ giao trả nếu biết chủ sở hữu hay người quản lý hợp pháp.
Nếu không xác định được chủ sỡ hữu, thì phải giao nộp cho UBND xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất để cất giữ, thôngbáo cho chủ sỡ hữu đến nhận.
Trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày thông báo công khai mà vẫn không xác định được ai là chủ sở hữu, thì tài sản đó thì sẽ được đưa ra giải quyết, trao cho người tìm thấy.
Tuy nhiên đến "phút 89" bà Phạm Thị Ngọt (40 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh) đã lên tiếng cho rằng mình là "chủ nhân" của số tiền 5 triệu Yen này.
Hiện vụ việc vẫn đang được cơ quan chức năng xác minh làm rõ.
H.Nguyen (Tổng hợp)