Tin mới

Cách nhận diện các loại cá cách bờ 20 hải lý

Thứ sáu, 06/05/2016, 11:30 (GMT+7)

"Một số loại hải sản cách bờ ngoài 20 hải lý như cá nục, cá dưa gang, cá ồ, cá ngừ... thường được đánh bắt theo đàn với số lượng lớn; không giống với các loại hải sản gần bờ thường lẫn lộn nhiều loại", ông Chu An Khánh khẳng định.

"Một số loại hải sản ngoài 20 hải lý như cá nục, cá dưa gang, cá ồ, cá ngừ... thường được đánh bắt theo đàn với số lượng lớn; không giống với các loại hải sản gần bờ thường lẫn lộn nhiều loại", ông Chu Anh Khánh khẳng định.

Liên quan vụ cá chết hàng loạt dọc 4 tỉnh miền Trung, các cơ quan chức năng vẫn đang tích cực điều tra, làm rõ nguyên nhân. Trước hiện tượng người dân khu vực thu gom cá chết để bán, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ra công văn hướng dẫn các biện pháp ứng phó với việc hải sản chết bất thường. Trong đó, yêu cầu các địa phương tuyệt đối không chế biến làm thực phẩm cho con người hoặc thức ăn chăn nuôi đối với các loại hải sản chết dạt bờ, hải sản đánh bắt trong vùng biển 20 hải lý trở vào thuộc các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.

Đối với không ít người dân, để hiểu rõ và phân biệt được những loại hải sản được cho là "an toàn", cách bờ 20 hải lý trở ra được cho là việc không dễ. Hơn nữa, chính vì không được thông tin rõ ràng cũng như chưa được hướng dẫn cụ thể nên một bộ phận không nhỏ người dân các tỉnh miền Trung quyết định không tiêu dùng hải sản để tránh việc chọn phải thực phẩm không an toàn.

Theo ông Khánh, không khó để phân biệt được hải sản xa bờ và hải sản trong phạm vi cách bờ 20 hải lý. Ảnh: Vietnamnet

Trao đổi với phóng viên về những vấn đề trên, ông Chu Anh Khánh - Phó Trưởng phòng Kỹ thuật nuôi sinh vật biển - Bảo tàng Hải Dương học cho biết, thực tế, không khó để phân biệt hải sản gần bờ, xa bờ, hải sản an toàn theo như nội dung khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Cụ thể, mỗi tàu đánh bắt xa bờ (ngoài 20 hải lý) đều được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh cấp một loại giấy phép. Khi tàu về bến, xuất bán hải sản cũng trình kèm theo giấy phép đó. Đây cũng được xem như loại giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong bối cảnh cá chết hàng loạt thời gian qua, khi mua bán hải sản mà có loại giấy này thì bà con nên yên tâm vì đây là hải sản xa bờ, an toàn để sử dụng.

Trước băn khoăn, nghi ngại của dư luận về việc có thể tàu đăng ký đăng bắt hải sản xa bờ ở vị trí A nhưng thực tế lại đánh bắt ở một vị trí khác trong phạm vi 20 hải lý gần bờ (do tàu không có định vị nên khó xác định được vị trí đánh bắt). Trong trường hợp đó, nếu chỉ căn cứ vào giấy phép được cấp của tàu liệu có đảm bảo cho người dân được mua hải sản an toàn?. Tuy nhiên, ông Chu Anh Khánh khẳng định, người dân có thể dễ dàng phân biệt được hải sản trong và ngoài phạm vi 20 hải lý. 

"Các loại cá ngoài 20 hải lý phổ biến như cá nục, cá dưa gang, cá ồ... thường được đánh bắt theo đàn với số lượng lớn. Đối với các loại cá ngoài khơi này, số lượng một đàn có thể lên tới vài tấn. Đặc biệt, cá ngừ không thể sống ở phạm vi cách bờ trong vòng 50 hải lý. Trong khi đó, đối với các loại cá gần bờ, chỉ cách bờ trong vòng 20 hải lý thì nếu được đem ra chợ bán, không thể có tới hàng tạ giống nhau, mà thường có nhiều loại lẫn lộn, độ to nhỏ cũng khác nhau", ông Khánh nêu cách nhận biết.

Liên quan vụ cá chết hàng loạt dọc 4 tỉnh miền Trung, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu các địa phương phải lấy mẫu giám sát hải sản khai thác ở 4 tỉnh để xem có kim loại nặng như thủy ngân, chì trong đó không. 

Với hải sản ở vùng biển ngoài 20 hải lý tính từ bờ, địa phương sẽ ấy mẫu tại các cảng cá khi được bốc dỡ. Nếu phát hiện mẫu không đạt yêu cầu, Chi cục quản lý chất lượng Lâm nông sản và Thủy sản báo cáo ngay về Cục và Bộ Nông nghiệp.Với hải sản được khai thác trong vùng biển 20 hải lý tính từ bờ thì việc lấy mẫu giám sát thực hiện hàng ngày. Nếu mẫu không đạt yêu cầu thì cơ quan chức năng sẽ tiêu hủy, hỗ trợ ngư dân theo quy định và khuyến cáo không tiếp tục khai thác.

Vũ Đậu

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news