Tin mới

Vũ khí Trung Quốc trong quân đội Triều Tiên

Thứ sáu, 10/01/2014, 16:10 (GMT+7)

Dù bị cấm vận nhưng Triều Tiên rất quan tâm đến vũ khí TQ sản xuất. Hiện Bình Nhưỡng đang sử dụng nhiều vũ khí có nguồn gốc từ TQ.

Dù bị cấm vận nhưng Triều Tiên rất quan tâm đến vũ khí TQ sản xuất. Hiện Bình Nhưỡng đang sử dụng nhiều vũ khí có nguồn gốc từ TQ.

 Vũ khí Trung Quốc trong quân đội Triều Tiên

Việc Triều Tiên bày tỏ sự quan tâm đến vũ khí Trung Quốc được Thời báo Hoàn Cầu tiết lộ. Theo đó, tờ báo của Trung Quốc đã cho đăng tải hình ảnh viên tướng cấp cao Quân đội Triều Tiên có mặt tại căn cứ Không quân Trung Quốc trong chuyến thăm diễn ra vào tháng 12/2013. Điều đặc biệt là căn cứ này được biên chế những tiêm kích đa năng J-11B do Trung Quốc sản xuất.

Tuy tờ báo này không mô tả chi tiết mục đích chuyến thăm của viên tướng tới căn cứ của Không quân Trung Quốc. Nhưng quan sát bức ảnh thì có thể viên tướng này bày tỏ sự quan tâm nhất định tới mẫu tiêm kích đa năng J-11. Được biết, đây không phải là lần đầu tiên Triều Tiên tiếp cận vũ khí do Trung Quốc sản xuất. Bởi hiện nay, trong biên chế quân đội Triều Tiên đang có sự phục vụ của nhiều phương tiện, vũ khí do Trung Quốc sản xuất.

Vũ khí Trung Quốc chiếm số lượng đông đảo nhất trong quân đội Triều Tiên là xe tăng Type 59. Có khoảng 175 chiếc xe tăng Type 59 đã được đã được Triều Tiên đặt hàng năm 1972 từ Trung Quốc và chuyển giao trong năm 1973. Xe tăng Type 59 được Trung Quốc sản xuất dựa trên nguyên mẫu xe tăng T-54A của Liên Xô.

Type 59 có khoang chiến đấu thông thường giống với các xe tăng Liên Xô thập niên 1950-1970 với vị trí điều khiển xe tăng ở phía trước, động cơ nằm ở phía sau. Thân xe được hàn thép với độ dày khác nhau từ 99 mm trên thân phía trước đến thấp hơn 20 mm ở sàn thân xe, tháp pháo dày từ 39–100 mm.

Tăng Type 59 được thiết kế tháp pháo K59 100 mm, có thể mang theo 34 viên đạn dự trữ. Bên trong còn có 1 súng máy đồng trục Type 59T cỡ nòng 7,62 mm (sao chép súng máy SGMT của Liên Xô) với lượng đạn dự trữ là 3500 viên. Một súng máy Type 54 cỡ nòng 12,7 mm dùng để phòng không đặt trên nóc xe tăng, loại súng này cũng sao chép súng máy 12,7 mm DShKM của Liên Xô, dự trữ đạn 200 viên. Súng máy đồng trục lắp ở nóc chiếc Type 59 nhằm mục đích hỗ trợ hỏa lực cho xe tăng.

Vũ khí tiếp theo của Trung Quốc có mặt trong quân đội Triều Tiên là tàu săn ngầm lớp Hainan: Từ thập niên 60 tới giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, Trung Quốc đã sản xuất khoảng 126 chiếc tàu loại này. Có khoảng 26 tàu săn ngầm lớp Hainan đã được Trung Quốc biến đổi thành phiên bản xuất khẩu sang Bangladesh, Ai Cập, Myanmar, Pakistan và Triều Tiên.

Bình Nhưỡng đã tiếp nhận 3 tàu Hainan từ năm 1975 – 1978. Ban đầu, Hainan được thiết kế cho các nhiệm vụ chống tàu ngầm gần bờ biển song nó đã được tận dụng tham gia sứ mệnh thăm dò, rải mìn và cứu hộ bờ biển. Tàu săn ngầm lớp Hainan có trọng tải 375 tấn, dài 60 m. Tuy nhiên 2 chiếc tàu lớp Hainan của Triều Tiên đã bị chìm trong một cuộc tập trận của Hải quân nước này trên biển Hoa Đông hồi tháng 10/2013. (Trong ảnh: Tàu chiến Hải quân Triều Tiên)

Phương tiện hạng nặng nhất đang bị phương Tây nghi ngờ do Trung Quốc sản xuất có mặt trong quân đội Triều Tiên là xe tải hạng nặng chở tên lửa đạn đạo. Theo một số nguồn tin tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Liên Hợp Quốc đang điều tra việc Trung Quốc xuất khẩu những chiếc xe quân sự 16 bánh có khả năng chuyên chở và phóng tên lửa đạn đạo sang Triều Tiên, vi phạm nghị quyết của Liên Hợp Quốc cấm xuất khẩu vật liệu và công nghệ liên quan tới vũ khí hủy diệt hàng loạt tới nước này hồi năm 2011.

Tuy nhiên, các quan chức Trung Quốc đã bác bỏ thông tin nói trên. Họ thừa nhận rằng một công ty Trung Quốc đã xuất khẩu 6 xe chở gỗ tới Triều Tiên vào năm 2011, nhưng lại nói rằng loại xe này hoàn toàn khác với xe quân dụng và không thể sử dụng để vận chuyển và phóng tên lửa đạn đạo.

Thông tin về vụ xuất khẩu những chiếc xe tải đặc dụng siêu trường này được tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản phơi bày trong một bài báo hồi tháng 6/2013. Sau đó, các quan chức Chính phủ Trung Quốc đã phải báo cáo lên Ủy ban cấm vận Triều Tiên trực thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Báo giới quốc tế cho hay, loại xe này do một công ty thuộc quân đội Trung Quốc chế tạo và động cơ của xe được chế tạo ở Mỹ rồi chuyển sang Đức. Những chiếc xe mà Trung Quốc gọi là xe chở gỗ được cho là có khả năng phóng tên lửa, chở nhiều loại vũ khí mà đối phương khó phát hiện và phá hủy.

Việc Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận vũ khí Bắc Triều Tiên không chỉ dừng lại ở cáo buộc bán xe chở tên lửa cho Triều Tiên. Hồi tháng 6/2012, một bản báo cáo của Liên Hợp Quốc còn tố cáo Trung Quốc thường xuyên vi phạm nghị quyết Liên Hợp Quốc cấm vận vũ khí và hàng xa xỉ phẩm nhập vào Bắc Triều Tiên.

Theo nguồn tin trên, Bắc Kinh đã 21 lần “làm ngơ” nghị quyết của Hội Đồng Bảo An trừng phạt Bình Nhưỡng. Tổng cộng từ 2006 đến 2009, Bắc Kinh đã có 38 vụ vi phạm. Trong đa số trường hợp, các hải cảng của Trung Quốc được sử dụng làm trạm trung chuyển, hay các công ty Trung Quốc đều đóng vai trò trung gian. (Trong ảnh: Tăng Type 59)


Trong số 21 vụ vi phạm được ghi nhận, có hai vụ liên quan đến việc xuất nhập khẩu các vật liệu liên quan đến việc sản xuất hay sử dụng các loại vũ khí sát hại hàng loạt hay hỏa tiễn đạn đạo. Báo cáo cũng đề cập đến 6 vụ xuất nhập khẩu vũ khí. Ít nhất có một lần, cảng Đại Liên được sử dụng để chuyển linh kiện điện tử và bảng kim loại để chế tạo hỏa tiễn từ Bắc Triều Tiên sang Syria. Lần thứ hai là vào năm 2010, nhiều máy công cụ có thể sử dụng vào mục đích quân sự từ Đài Loan đã được chuyển qua Trung Quốc rồi từ Trung Quốc chuyển đi sang Bình Nhưỡng. (Trong ảnh: Tăng chiến đấu T-62)

Rõ ràng, dù lệnh cấm vận vũ khí Triều Tiên đang được Liên Hợp Quốc áp dụng, nhưng bằng nhiều cách vũ khí Trung Quốc vẫn bí mật được tuồn vào Bình Nhưỡng. Và sự có mặt của vũ khí do Trung Quốc trong quân đội Triều Tiên có thể còn nhiều hơn những gì đã được công bố. Trong ảnh: Tiêm kích J-11.



Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news